Đốc thúc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cả cứng và mềm

(ĐTCK) Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Vai trò doanh nghiệp (DN) trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Đốc thúc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cả cứng và mềm

Đây là cơ hội để các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, cũng như các doanh nghiệp thảo luận, trao đổi tìm ra những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp để cải thiện năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới mang lại nhiều thời cơ hội, cũng như thách thức cần nhận diện và giải quyết. Độ mở thị trường càng lớn cũng có nghĩa là mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việt Nam kiên trì mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công thông qua tăng trưởng nhanh và bền vững.

Ông Sơn cho biết, Chính phủ đang tập trung cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư-kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp làm đối tượng trung tâm để phục vụ; trong đó thường xuyên đối thoại, nắm bắt tình hình doanh nghiệp bên cạnh sự tham vấn, tranh thủ hoạt động hợp tác quốc tế.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, địa phương chủ động cải cách hành chính, nâng cao và duy trì hình ảnh, thương hiệu quốc gia.

Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị cần phát huy mọi nguồn lực, vận dụng hết tiềm năng; nhất là tính sáng tạo để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, có giá bán cạnh tranh; trong đó ưu tiên dành cho xuất khẩu.

Trên góc độ vĩ mô, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rosler cho rằng, Việt Nam tuy đã đạt được nhiều thành công trong quá trình cải cách, song vẫn bắt buộc phải làm tốt hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt từ quá trình hội nhập.

Theo ông Rosler, để đối phó với thách thức trong hội nhập và tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có khuôn khổ tài chính ổn định, hệ thống cơ sở hạ tầng vững mạnh,  có nền công nghệ phát triển, nhân lực có chất lượng cao, đồng thời có các chính sách tài khóa phù hợp, giảm lạm phát, và thực hiện các cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Việt Nam đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do EU và với nhiều quốc gia khác, cũng như đàm phán TPP. Đạt được các Hiệp định này cũng có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu sẽ đến làm ăn tại Việt Nam ngày càng nhiều. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đầu những cơ hội, cũng như những thách thức đến từ làn sóng đầu tư lớn này tới đây thông qua việc hoàn thiện các khung khổ thể chế, cơ sở hạ tầng cứng và mềm cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước để tận dụng được các cơ hội mới”, ông Rosler khẳng định.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hoạt động hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cần có sự vào cuộc khẩn trương và quyết liệt từ Chính phủ, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương với tinh thần sẵn sàng cải cách để nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, tính tiên phong và sáng tạo, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp cần được ghi nhận và là tiêu chí được đánh giá cao đối với các cơ quan công quyền.

Tin bài liên quan