Mừng Quốc khánh, nhìn lại chặng đường đã qua, càng thấu hiểu ý nghĩa của 4 chữ độc lập - tự do, nhất là sau diễn biến phức tạp trên Biển Đông mới đây, càng thấy rõ rằng, Việt Nam không chỉ cần độc lập, tự chủ trong chính trị, mà còn phải độc lập, tự chủ về kinh tế.
Sau thời khắc lịch sử (ngày 2/9/1945) trên Quảng trường Ba Đình, từ một nước nô lệ, Việt Nam đã trở thành nước độc lập; từ nước bị chia cắt, trở thành quốc gia thống nhất; từ nước bị bao vây, cô lập, đã trở thành một nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới...
Thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và bằng những nỗ lực trong công cuộc Đổi mới, Việt Nam từ một nước đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực đã vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Từ một nước nhập siêu lớn (năm 2008 nhập siêu 17 tỷ USD, năm 2009, con số này là 12 tỷ USD), thì 3 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu. Xem tiếp trang 3
Riêng năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam xuất siêu 78 triệu USD. Từ một quốc gia chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, làm bạn và là đối tác tin cậy của hầu khắp các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Pháp…
Có thể nói, hội nhập là xu hướng tất yếu và Việt Nam đã có bước tiến dài trên hành trình hội nhập. Song sau những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài từ năm 2008 đến nay và đặc biệt là sau những diễn biến phức tạp trên Biển Đông vừa qua, những điểm yếu của nền kinh tế đã và đang ngày càng bộc lộ rõ. Đó là tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào vốn và lao động, là hiệu quả đầu tư kém, là năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện, là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu…
Thực tế này thậm chí đã được nhắc đến như một cơ hội để Việt Nam nhìn lại mình, nhận chân những điểm yếu, từ đó có giải pháp khắc phục. Nhưng quan trọng hơn, là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế bên ngoài, từ đó xây dựng một nền kinh tế đủ mạnh và chủ động hơn.
Để làm được điều này, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi tư duy phát triển, mở rộng dân chủ trong kinh tế, chuyển mạnh sang kinh tế thị trường... Đồng thời, xây dựng một hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh, một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển rộng khắp...
Độc lập, tự chủ về chính trị là điều kiện tiền đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ngược lại, độc lập, tự chủ về kinh tế là điều kiện bảo đảm độc lập tự chủ về chính trị, vì một quốc gia đói nghèo, thường xuyên phải dựa vào viện trợ quốc tế thì khó có thể giữ vững được độc lập, tự chủ về chính trị. Chính vì vậy, dù hội nhập sâu rộng, nhưng ranh giới của độc lập dân tộc, của chủ quyền, của toàn vẹn lãnh thổ là không thể xóa nhòa. Song chúng ta cũng phải hiểu rõ luật chơi toàn cầu hóa để có những bước đi vững chãi hơn trong hội nhập, để hợp tác cùng có lợi, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Trong gần 70 năm qua, bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn cam go, “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong giai đoạn khó khăn này, càng phải khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của mình. Chỉ có đồng lòng, đồng sức, đoàn kết và tìm mọi cách khoan sức dân, thì chúng ta mới vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.