Người đang ươm mầm các dự án khởi nghiệp đã từng… khởi nghiệp thế nào, thưa ông?
Cũng khó khăn như các bạn khởi nghiệp bây giờ. Năm 2008, chúng tôi vào thị trường với những lời phản biện rằng, học thật còn chẳng ăn ai nữa là học online.
Tất nhiên, thiếu vốn, thiếu nhân sự giỏi, nhưng cảm giác bị thị trường quay lưng thật tệ. Tôi còn nhờ, khi đó, có một người bạn làm ở quỹ đầu tư rất am hiểu về Đông Nam Á đã nói với tôi là: “Ở khu vực này, bí quyết quan trọng nhất để start-up thành công là ‘sống sót’, sau đó mới đến sáng tạo, đội ngũ, công nghệ…”.
Chúng tôi may mắn sống sót, dù đã có không dưới 10 lần đứng trên bờ vực phá sản. Đến giờ, chúng tôi có được sự hỗ trợ của một số quỹ đầu tư. Đào tạo trực tuyến đang trở thành xu thế hot trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đã có sản phẩm được kiểm chứng và tự hào nhất là đội ngũ dày dặn kinh nghiệm và máu lửa.
Mọi người vẫn nói, với người khởi nghiệp, tố chất đấu tiên là phải dám chấp nhận thất bại. Nhưng 10 lần trong khoảng 8 năm có phải là quá nhiều không?
Không có người thầy nào tốt hơn thực tế, không có sách vở nào dạy được bạn những trải nghiệm như thương trường. Vì vậy, kinh nghiệm của tôi là đừng đặt cược quá nhiều tiền bạc, kỳ vọng tâm lý vào 1-2 start-up đầu tiên. Tôi từng chứng kiến những start-up cắm 2 sổ đỏ hay được mọi người tung hô quá nhiều, kết quả là vẫn thất bại, khó có thể hồi phục.
Vì vậy, nên coi thất bại vài lần là chuyện tất yếu, vì khả năng tồn tại được sau 5 năm là 10-30%, trong khi khả năng thành công vang dội là dưới 1%.
Tất nhiên, có những người không đủ nguồn lực để sống sót qua quá nhiều thất bại. Cách khác là bạn gia nhập một công ty có văn hoá start-up hay một vườn ươm khởi nghiệp. Ở Topica, chúng tôi cũng thiết kế 3 chương trình dành cho các bạn ở các giai đoạn khác nhau. Nếu bạn đã sẵn sàng để trong vòng 6 tháng ra mắt sản phẩm, gọi vốn và triển khai thật thì có thể chọn chương trình Topcia Founder Institute.
Nếu bạn đã từng khởi sự một vài dự án và đã thất bại, muốn dành 2-3 năm để “hồi phục” và tích luỹ thêm kinh nghiệm, tài chính trước khi tiếp tục, thì nên chọn chương trình “18 Founders-In-Residence”. Nếu bạn cần 4-5 năm để rèn luyện cả kỹ năng chuyên môn lẫn lãnh đạo, nên chọn chương trình “22 Future CEOs”.
Việc bắt đầu lại sau khi đã không thành công ở một dự án đã khó, nhưng để nhà đầu tư tin vào khả năng thành công của dự án mới mới là vấn đề, thưa ông?
Đúng là điều quan trọng nhất là cần phải có người tin mình. Bạn có thể gặp khủng hoảng, nhưng nếu bạn có nhiều người tin tưởng, nhiều đồng đội không bỏ mình, bạn sẽ vững vàng vượt qua.
Muốn có nhiều người tin mình thì cần giữ uy tín, tử tế và phải giỏi. Nếu bạn không giữ lời hoặc đối xử tệ với vài người, thì những người khác cũng sẽ mất lòng tin vào bạn. Nếu bạn chưa vượt qua khó khăn bao giờ, chưa thể hiện đẳng cấp, cũng khó để mọi người tin tưởng là bạn sẽ vượt qua những khó khăn sau này.
Điều thứ hai cần có là hoài bão lớn. Nếu bạn có tầm nhìn xa, hoài bão lý tưởng lớn thì bạn mới giữ được niềm tin cho chính bạn. Nếu chỉ chạy theo các vấn đề cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày, chỉ mong sống sót được qua một tháng nữa mà không nhìn thấy tương lai sẽ có hàng triệu khách hàng, hàng trăm nhân viên, tiềm năng cả về vật chất lẫn ý nghĩa xã hội, thì chính bạn cũng sẽ mất niềm tin sớm.
Thứ ba là khả năng kiếm sống. Bạn cũng cần những kỹ năng rất thực tế như khả năng kiếm tiền ngắn hạn để nuôi quân, để tiếp tục tồn tại và phát triển sản phẩm. Những người sống sót được là những người có thể kiếm được một công việc tạm thời lương cao, vài dự án lớn nhỏ để bất kỳ khi nào công ty gặp khó khăn tạm thời, họ vẫn xoay sở được.
Vậy với những người muốn đi xa hơn, muốn đưa các dự án của mình đến với các nhà đầu tư quốc tế như Topica của ông thì sao?
Giới trẻ Việt có khá nhiều lợi thế về công nghệ so với khu vực Đông Nam Á và tinh thần khởi nghiệp, khả năng sáng tạo khá cao so với thế giới. Những câu chuyện thành công như Flappy Bird Nguyễn Hà Đông, những nhà sáng lập người Việt của Misfit, Emotiv, Adatao, GotIt… là những ví dụ điển hình.
Tôi muốn nói đến một trong những chìa khóa quan trọng nhất để thành công đó là sự tử tế. Những người thành công trong ngành công nghệ đều đặt cao tiêu chí tử tế đối với khách hàng, với nhân viên, với nhà đầu tư, với đối thủ.
Tử tế với khách hàng vì bạn cần đến hàng triệu người dùng thì mới thành công về sản phẩm. Nếu bạn cung cấp cho họ sản phẩm dịch vụ tử tế, thì một người sẽ đồn 10, 10 đồn 100, 100 đồn 1.000 và tiếp tục với tốc độ chóng mặt.
Nhưng nếu bạn lừa gạt, thì tiếng xấu cũng lan nhanh không kém, nhất là trong thời đại Facebook.
Tử tế với nhân viên vì để thành công trong ngành start-up công nghệ, một siêu nhân không bao giờ là đủ. Bạn cần hàng trăm, hàng ngàn cái đầu giỏi đồng lòng giải quyết hàng vạn vấn đề phát sinh hàng ngày và thích nghi liên tục với công nghệ thay đổi chóng mặt.
Danh tiếng “sếp tử tế” sẽ giúp bạn thu hút được nhiều nhân tài hơn. Không chỉ với những người đang làm cho bạn mà cần tử tế với cả những người chia tay với bạn. Tôi đã gặp khá nhiều câu chuyện “kiếm củi 3 năm đốt một tuần”. Bạn dành 3 năm trời tâm huyết để dìu dắt, huấn luyện, đãi ngộ nhân viên hay người đồng sáng lập, đến một lúc họ muốn chia tay, chia tay khá tình nghĩa, nhưng bạn không chịu nổi cảm giác thất vọng, bạn tự cảm thấy bị “bội bạc”. Trong tuần cuối cùng, bạn tịch thu máy tính của họ, trừ lương của họ, nói xấu họ với mọi người xung quanh và chỉ vài lần như vậy, danh tiếng của chính bạn sẽ tan tành.
Tử tế với nhà đầu tư vì start-up là chặng đường marathon, chứ không phải nước rút. Bạn sẽ mất nhiều năm cống hiến, vượt khó khăn kêu gọi vốn nhiều lần trước khi thành công.
Tôi nghiệm ra trong 7 năm qua, có hàng chục cơ hội nhà đầu tư của tôi có thể siết chặt, can thiệp, đẩy tôi ra khỏi công ty nếu họ muốn, đặc biệt là những lúc khó khăn nhất. Nhưng họ không làm vậy vì họ dày dặn kinh nghiệm, họ tin tưởng ở chúng tôi và họ cũng bảo vệ uy tín của chính họ. Ngược lại, các start-up sau khi nhận đầu tư sẽ có vô số cơ hội “kiếm chác” một chiếc xe, một căn hộ cho bản thân từ nguồn vốn đầu tư. Nhưng nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ chỉ làm được một lần duy nhất trong đời và sẽ không bao giờ còn ai dại dột trao tiền vào tay bạn. Bạn có thể giấu được nhà đầu tư, nhưng không thể giấu được nhân viên của bạn và nhân tài lần lượt sẽ bỏ bạn ra đi. Và nếu bạn là người giỏi, hoài bão lớn thì mục tiêu của 1 start-up không phải vì một chiếc xe hay một vài căn hộ.
Tử tế với đối thủ cạnh tranh vì với tốc độ công nghệ thay đổi chóng mặt, đối thủ hôm nay có khi lại trở thành đồng minh ngày mai để chống lại một đối thủ lớn hơn. Nhiều trường hợp các bạn start-up câu kéo nhân viên của công ty khác, nói xấu nhau. Nhiều cựu nhân viên tách ra, lập công ty y chang để cạnh tranh với công ty cũ với các chiêu trò không lành mạnh. Một ngày đẹp trời, công nghệ mới hơn xuất hiện hoặc một đối thủ lớn ở nước ngoài tới mà đáng ra cần liên minh, sáp nhập để cạnh tranh, thì sự thù hằn trước đó đã là rào cản.
Câu chuyện kinh điển của Paypal là ví dụ ngược lại. Paypal là một trong những công ty start-up thành công đầu tiên ở Thung lũng Silicon. Các cựu lãnh đạo, nhân viên của Paypal sau đó không lập ra các “Paypal phẩy”, mà họ đều sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới và trở thành các tên tuổi lớn như Youtube, Linkedin, Tesla Motors, Palantir Technologies, SpaceX, Yelp và Yammer. Thay vì cạnh tranh không lành mạnh với công ty cũ, thì họ mỗi người làm một mảng, đầu tư cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chống lại các đối thủ mới và tất cả đều trở thành những start-up cực kỳ thành công ở quy mô toàn cầu.
Theo thống kê, số lượng các công ty startup đạt giá trị 1 tỷ USD trở lên ngày ngày tăng nhanh. Năm 2011, xuất hiện thêm 12 công ty tỷ đô. Đến năm 2015, con số này là hơn 60. Ở Việt Nam, số lượng các startup giá trị trên 10 triệu USD cũng tăng nhanh với tốc độ chóng mặt tương tự. Điều này có nghĩa là bạn có thể tìm những mô hình hoàn toàn mới để khởi nghiệp, mà không cần phải cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ có cùng một mô hình cũ.
Ông đang nhìn thấy gì ở những người khởi nghiệp Việt Nam?
Ở Việt Nam, mọi người mới chỉ nhắc đến khía cạnh thành đạt, làm giàu trong các dự án khởi nghiệp, mà chưa nhắc nhiều đến khả năng thay đổi cuộc sống, tác động tốt đến xã hội của các start-up và công nghệ mới. Đây chính là sự khác biệt của các dự án khởi nghiệp trong thời đại của công nghệ.
Có thể nhìn thấy điều này khi Uber, GrabTaxi vào Việt Nam. Tôi không muốn bình luận về tính pháp lý của loại hình kinh doanh này, nhưng rõ ràng, họ đã tạo sức ép để các hãng taxi truyền thống phải đổi mới công nghệ, đưa ra các ứng dụng đặt xe riêng và người dân được hưởng lợi.
Một số ứng dụng khá hay như đánh giá hàng quán của Foody, Lozi hay một số trang web thương mại điện tử bán nông sản như Adayroi, Fruitclub, Vatgia đang giúp nông dân, nhà sản xuất bỏ qua các khâu trung gian để đến tay người mua chỉ qua một bước....
Họ đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.