Doanh nghiệp Việt Nam và Pháp trao đổi cơ hội đầu tư - thương mại từ EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt Nam và Pháp trao đổi cơ hội đầu tư - thương mại từ EVFTA

Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với chủ đề “Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp?” vừa diễn ra chiều 8/7, tại các đầu cầu trụ sở Bộ Công Thương Việt Nam và trụ sở Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp.

Đây là Hội thảo trực tuyến đầu tiên do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với một nước châu Âu tổ chức tuyên truyền về Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp châu Âu, kêu gọi hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, việc tổ chức Hội thảo qua hình thức trực tuyến được doanh nghiệp 2 bên đánh giá là phương thức trao đổi hiệu quả nhất giúp các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nắm bắt những thông tin hữu ích, trước khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào hiệu lực kể từ 1/8/2020.

Tại buổi Hội thảo, đầu cầu phía Việt Nam có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery, Đại diện Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp (Business France) tại Việt Nam và các Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ Công Thương.

Đầu cầu Pháp có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, ông Francois Delattre; Chủ tịch Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp, ông Christophe Lecourtier. Ngoài ra, còn có sự tham gia trực tuyến của hơn 400 doanh nghiệp chủ chốt của Pháp và hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam và Pháp trao đổi cơ hội đầu tư - thương mại từ EVFTA ảnh 1

Buổi Hội thảo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Pháp tiếp cận với những chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam có hiệu lực sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, những thông tin mới về thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân và là cửa ngõ của khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân.

Chia sẻ với các doanh nghiệp Pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam với lộ trình tối đa là 20 năm và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU với lộ trình tối đa là 7 năm.

Việc xóa bó thuế quan sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm 2 bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, đồ uống có cồn, mặt hàng thực phẩm từ EU và Pháp.

Cùng với hàng hóa, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU nói chung và Pháp nói riêng, khi Việt Nam có 14 FTA có hiệu lực với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đang chờ có hiệu lực. Đây cũng là lý do cộng đồng doanh nghiệp đôi bên đều hết sức mong mỏi Hiệp định đi vào thực thi từ nhiều năm nay.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EVFTA có hiệu lực trong bối Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, và là một trong số ít nước được World Bank dự báo tăng trưởng dương mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông, bên cạnh những thuận lợi nói trên, hai bên cũng đứng trước một số thách thức khó khăn đến từ các cuộc xung đột thương mại trên thế giới khiến sự phát triển thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, xu hướng bảo hộ gia tăng ở một số quốc gia hay rõ rệt và cam go nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đang làm các nền kinh tế toàn thế giới lầm vào nguy cơ khủng hoảng, đồng thời làm (i) thay đổi hoặc đứt gãy chuỗi giá trị; (ii) thúc đẩy dịch chuyển dòng đầu tư; (iii) đa dạng hóa đối tác; (iv) thay đổi môi trường, cách thức, giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo…

Đồng thời, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư trong tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm...

Tại hội thảo. các doanh nghiệp Pháp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, thách thức cũng sẽ song hành, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.

Theo số liệu thống kê, giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019 (đứng thứ 3 tại châu Âu chỉ sau Đức và Hà Lan).

Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (sau Hà Lan).

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,77 tỷ USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,20 tỷ USD, và nhập khẩu đạt 572,37 triệu USD. Dự báo thương mại song phương sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm sau khi Pháp tái khởi động nền kinh tế và nền kinh tế dần dần phục hồi.

Tin bài liên quan