Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp Trung Quốc chịu gánh nặng vì quỹ hưu trí

(ĐTCK) Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mức thuế mà doanh nghiệp Mỹ phải chịu quá cao, ông chỉ cần nhìn sang Trung Quốc và nhận ra vẫn chưa là gì.

Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp là 67,3% lợi nhuận, cao thứ 12 trong số 190 nền kinh tế được theo dõi bởi Ngân hàng Thế giới.

Con số này bao gồm mức thuế đánh vào lợi nhuận thu được, các khoản đóng góp bắt buộc cho các quỹ an sinh xã hội. Với phương pháp tính tương tự, doanh nghiệp Mỹ phải chịu thuế ở mức 43,8%.

Tất nhiên, đây không phải mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực trả đối với các công ty Trung Quốc. Thông thường, tỷ lệ thuế danh nghĩa ở mức khoảng 25%, nhưng khoảng hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại quốc gia này trả chưa tới 17% trong quý IV/2017, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.

Chìa khóa của vấn đề này nằm ở các khoản đóng góp bắt buộc cho các quỹ an sinh, như quỹ hưu trí và chi trả bảo hiểm sức khỏe mà doanh nghiệp có thể trốn tránh. Các công ty Trung Quốc được yêu cầu đóng 19% mức lương của người lao động cho hệ thống hưu trí của chính phủ, trong khi con số này tại Mỹ là 6,2%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Đại lục cũng phải đóng góp 12% mức lương của công nhân cho các quỹ nhà ở xã hội của chính quyền. Như vậy, người lao động tại đây sẽ phải trả trung bình khoảng 33% thuế an sinh xã hội, so với khoảng 7,7% tại Mỹ, 23,2% tại châu Âu và 0% tại Hồng Kông.

Với tình trạng dân số già đi, Trung Quốc thực hiện rất nhiều chính sách để kiểm soát khu vực doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ thu thuế dành cho an sinh xã hội. Tuy nhiên, quỹ hưu trí của Trung Quốc – nơi đóng vai trò là “nhà an toàn” cho người lao động, lại rơi vào tình cảnh thâm hụt kể từ năm 2013 cho tới nay.

Thậm chí, quỹ hưu trí tại 13 khu vực nghèo khó của Đại lục còn sở hữu số tiền chưa đủ để chi trả trong 1 năm. Tính tới cuối năm 2016, thâm hụt quỹ hưu trí ở mức 650 tỷ Nhân dân tệ.

Tính tới cuối năm 2016, các quỹ hưu trí của Trung Quốc sở hữu tổng cộng 9,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD). Để đủ sức hỗ trợ cho số lượng người về hưu, chính quyền Đại lục cần bổ sung thêm 44 nghìn tỷ Nhân dân tệ nữa trước năm 2050, theo ước tính của China International Capital Corp ước tính. Tuy nhiên, “vắt kiệt” doanh nghiệp với các gánh nặng an sinh xã hội không phải là phương pháp tích cực để sử dụng.

Trong bối cảnh này, cách tốt nhất là hạ thấp mức đóng góp bắt buộc cho các quỹ an sinh, chuyển cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước (SOE) mà Nhà nước đang sở hữu sang các quỹ hưu trí quốc gia và yêu cầu SOE trả cổ tức nhiều hơn. Mới đây, giới chức Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch chuyển khoảng 10% số cổ phần nhà nước nắm giữ tại các SOE sang Qũy An sinh quốc gia (NCSSF).

Tuy nhiên, vấn đề lại nảy sinh ở đây, khi khối doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nổi tiếng từ lâu bởi tình hình làm ăn trì trệ. Trong khoảng 1.000 SOE đang niêm yết tại Đại lục, với tổng giá trị thị trường khoảng 37 nghìn tỷ Nhân dân tệ, chỉ có khoảng 30% lợi nhuận được dùng để trả cổ tức, so với tỷ lệ 51% đối với các doanh nghiệp thuộc S&P 500.

Theo tính toán của Gadfly, nếu khu vực doanh nghiệp nhà nước bị ép nâng tỷ lệ trả cổ tức lên bằng với mức tại Mỹ, sẽ có khoảng 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ được dành để chi trả cổ tức mỗi năm. Vậy 10% cổ phần của nhà nước tại các SOE sẽ có giá trị khoảng hơn 100 tỷ Nhân dân tệ và số tiền này sẽ được đóng góp cho quỹ an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc tăng nguồn thu, chính quyền Trung Quốc nên tìm những nhà quản lý quỹ tốt hơn. Trong 9 tháng năm 2017, các quỹ hưu trí với 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ được tiến hành đầu tư chỉ mang về lợi nhuận khoảng 3,8%.

Trước đó, năm 2016, hoạt động đầu tư 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ tại các quỹ an sinh xã hội chỉ có lợi suất 1,7%. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả hoạt động đầu tư an toàn nhất vào lãi suất liên ngân hàng, với mức sinh lợi khoảng 3% năm 2017.

Tin bài liên quan