Tạo văn hóa thay đổi
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần phải xác định rõ mình đang ở giai đoạn nào?
Trước khi nói đến câu chuyện hiệu suất, cần lùi lại một bước để xem doanh nghiệp đang ở đâu? Mỗi năm, doanh nghiệp phải “quay người lại” xem mục tiêu đạt được không, cần tập trung lĩnh vực nào, thị trường nào, thước đo nào để thực hiện chiến lược?
Trên thế giới và ở Việt Nam, có những doanh nghiệp tập trung đi ra thị trường với mức giá rẻ nhất, thời gian nhanh nhất. Loại thứ hai là tập trung vào khách hàng thông qua những trải nghiệm để có khách hàng trung thành và khách hàng cũ quay trở lại. Có doanh nghiệp chú trọng đến yếu tố sáng tạo, sản phẩm mới, dịch vụ mới, thị trường mới.
Nếu có chiến lược tốt rồi thì sau 1, 3, 5, hay 10 năm, doanh nghiệp sẽ ở đâu? Làm gì để thay đổi, tồn tại, phát triển, có thị trường mới, sản phẩm mới? Nếu chỉ có lãnh đạo đưa ra mục tiêu, chiến lược kinh doanh thì liệu doanh nghiệp có thành công hay không?
Nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng, sự thành công của chiến lược phải đến từ tất cả cán bộ, nhân viên cấp cao cho đến cấp thấp, tạo ra văn hóa của doanh nghiệp là lúc nào cũng tiên phong, tiến ra thị trường.
“Hãy nghĩ Covid-19 là một phép thử. Covid-19 không phải là một đại dịch, mà là một thiên sứ được cử đến với câu hỏi, trong tình huống tệ nhất, doanh nghiệp có thể làm gì để tồn tại, phát triển, tăng trưởng đột phá?”, bà Thúy nói.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng cấp cao Deloitte cho biết, khi Deloitte đi khảo sát, Công ty nhận thấy một trong các lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam có công tác quản trị kém là văn hóa thường xuyên không tuân thủ, các hệ thống văn bản ban hành theo sự vụ, không có hệ thống.
Doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong kinh doanh, dẫn tới không biết làm thế nào để số hóa, số hóa ở đâu. Chủ doanh nghiệp luôn có câu hỏi, tại sao phải số hóa, đầu tư 10 đồng thì tôi được bao nhiêu đồng?
Điểm chung của nhiều doanh nghiệp là có xuất phát điểm từ doanh nghiệp gia đình, phát triển tự phát và luôn nghĩ mình có hệ thống quản lý văn bản chuẩn rồi.
Nhưng vấn đề nổi cộm là các công ty có một hệ thống văn bản tản mát khắp nơi, dẫn tới khó khăn khi tác nghiệp, mất thời gian tìm kiếm, làm giảm năng suất lao động.
Bên cạnh đó, quy trình nghiệp vụ không đủ chi tiết và sự phối hợp giữa các phòng ban kém hiệu quả. Các công ty thường không có hệ thống báo cáo quản trị đúng, có dữ liệu nhưng chưa sử dụng được dữ liệu cho mục tiêu quản trị điều hành.
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, ông Mạnh nhấn mạnh: “Bài toán ở đây là tốc độ. Phải thật nhanh. Một là doanh nghiệp tự chuyển đổi để cạnh tranh. Hai là doanh nghiệp buộc phải thay đổi để cạnh tranh”.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT cho rằng, mô hình của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải hướng đến tối đa hóa lợi nhuận. Công nghệ thông tin hiện tại được coi là một thành phần trong chiến lược của doanh nghiệp. Sử dụng dữ liệu để vận hành doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng.
Trong bối cảnh Covid-19, có 4 yếu tố bị ảnh hưởng đã được thống kê là mất cân bằng cung cầu toàn diện; suy giảm thanh khoản và khủng hoảng tài chính; đứt gãy chuỗi cung ứng; biến đổi môi trường làm việc.
Để phục hồi nhu cầu tiêu dùng, doanh nghiệp cần có những kênh bán hàng đột phá, chẳng hạn, trước đây bán hàng tại siêu thị thì bây giờ bán hàng online.
Để kiểm soát tính thanh khoản, doanh nghiệp cần hạn chế chi các khoản tiền mặt giá trị lớn, ví dụ chuyển từ hình thức đầu tư tài sản cố định trả tiền một lần sang đi thuê. Để kết nối liên tục chuỗi cung ứng thì doanh nghiệp phải tạo ra hệ sinh thái.
Trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp, có khả năng phải giãn cách xã hội, doanh nghiệp cần thích nghi với hoạt động làm việc từ xa và có giải pháp để kiểm soát năng suất lao động.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin
Chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 nhằm tối ưu chi phí hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng, tạo ra những mô hình kinh doanh mới… Nếu không chuyển đổi số, theo báo cáo mới đây của DBT Center, 60% các doanh nghiệp có thể bị đào thải trong 5 - 10 năm tới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp triển khai các hoạt động chuyển đổi số hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Không ít doanh nghiệp băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu và các ngành, lĩnh vực như logistics, kinh doanh nội thất, thầu xây dựng... có áp dụng chuyển đổi số hay công nghệ thông tin được hay không?
Bà Trần Thị Thúy Ngọc cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp logistics tiết kiệm chi phí, thời gian giao hàng, tạo lòng tin ở khách hàng khi họ có thể biết được hàng hóa đang ở đâu, thời gian nào là tốt nhất để nhận hàng.
Trong kinh doanh nội thất, có những công nghệ hỗ trợ khách hàng không cần đến cửa hàng mà vẫn có thể trải nghiệm được sản phẩm, không chỉ trên máy tính, mà cả điện thoại di động. Doanh nghiệp cần sử dụng công nghệ để đưa sản phẩm đến với khách hàng một cách nhanh nhất và gần gũi nhất.
Đối với các nhà thầu xây dựng, có nhiều dữ liệu như mua hàng, nhà cung cấp, nhân viên, khi đẩy tất cả dữ liệu này vào trung tâm dữ liệu và phân tích dữ liệu, doanh nghiệp sẽ quản lý được chi phí và rủi ro liên quan đến mua bán hàng hóa.
Theo Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng có công nhân trải khắp các công trường và trình độ, thói quen làm việc khác nhau, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, công trường đối mặt với thất thoát.
Do đó, doanh nghiệp cần tối ưu được năng suất lao động của cán bộ, nhân viên ở khắp nơi, với việc áp dụng mô hình quản trị từ xa, di chuyển trong công trường, quản trị kho phân tán.
Tuy nhiên, một khảo sát của IDC cho thấy, 70 - 80% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số. Ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là người đứng đầu doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là thay đổi từ tư duy, lãnh đạo doanh nghiệp có tư duy đúng sẽ khác, còn nhân viên thường ngại thay đổi, không nhìn thấy được lợi ích từ sự thay đổi.
“Doanh nghiệp xác định là phải chuyển đổi, nhưng không chịu bắt đầu, như vậy sẽ không có kết thúc. Chính người đứng đầu của đơn vị không muốn thay đổi. Các doanh nghiệp phải nghĩ rằng, mình có muốn thay đổi không, không thay đổi là chết”, vị chuyên gia của Deloitte nhấn mạnh.