Doanh nghiệp nhôm kêu cứu

Doanh nghiệp nhôm kêu cứu

(ĐTCK) Cũng như ngành thép, các doanh nghiệp sản xuất nhôm đang đứng trước khó khăn kép khi bị tắc cả đầu vào lẫn đầu ra.

Khó trăm bề

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam) cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, lây lan rất nhanh trên cả nước và toàn thế giới. Chính phủ và các bộ, ngành đang tích cực thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan, giảm thiểu những thiệt hại về người và sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, các biện pháp này đã gián tiếp gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và ngành nhôm trong nước nói riêng. Thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nhôm do dịch bệnh Covid-19 gây ra đang ngày một tăng.

Hiện các doanh nghiệp sản xuất ngành nhôm Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu. Trong đó, có khoảng 30% nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chỉ tính từ đầu tháng 2/2020 đến nay, việc đóng các cửa khẩu, tăng cường kiểm soát dịch bệnh đối với các hàng hóa nhập khẩu đã khiến cho việc nhập nguyên liệu, phụ liệu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều đơn hàng không về được Việt Nam, nếu về được thì rất chậm do phải chuyển về qua đường biển, không đáp ứng kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Dự kiến, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, có khả năng đến hết tháng 4, nhiều doanh nghiệp sẽ không còn đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Không chỉ đầu vào, ngành nhôm còn gặp khó với đầu ra khi tình hình dịch bệnh khiến nhiều dự án, công trình thi công cầm chừng, thị trường bất động sản cũng trầm lắng. Do đó, nhu cầu nhôm phục vụ xây dựng giảm sút nghiêm trọng.

Tương tự, thị trường xuất khẩu cũng khó khăn không kém. Từ đầu tháng 3, tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh trên toàn thế giới khiến nhiều nước châu Âu, châu Mỹ đóng cửa biên giới, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu nhôm của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển chậm, có nơi ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc chuyển hàng hóa vào đại lý ở những nơi bị cách ly rất khó khăn, có nơi không chuyển hàng vào được do các đơn vị vận chuyển lo sợ dịch bệnh nên từ chối phục vụ.

Về thời gian thông quan, nhập khẩu chậm, do các cơ quan chức năng ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, còn phải thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc, kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa trước khi thông quan dẫn đến mất nhiều thời gian trung chuyển, chậm thông quan, chậm lưu thông hàng hóa.

Ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp cho biết: “Hiện tại, doanh nghiệp nhôm đã bắt đầu thấy thấm khó khăn vì dịch. Thị trường hiện nay khó khăn đủ thứ, từ đầu vào tới đầu ra. Các hệ thống phân phối giảm đến 40% sức tiêu thụ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tiền lương lao động, bảo hiểm, các khoản chi cho người lao động vẫn phải đóng, nhưng doanh số giảm khiến lợi nhuận không còn, thậm chí lỗ. Với thị trường xuất khẩu, bạn hàng cũng nằm ở các nước là vùng dịch, bị phong tỏa, nên sức tiêu thụ cũng giảm đi rất nhiều. Do đó, lượng hàng xuất khẩu hiện tại của ngành giảm đến 70%”.

Doanh nghiệp nhôm kêu cứu ảnh 1

Các doanh nghiệp nhôm đang cố gắng cầm cự duy trì sản xuất để tạo việc làm cho người lao động.  

Số việc làm trong ngành nhôm hiện khoảng 30.000 lao động, mặc dù bây giờ số người bị mất việc làm ít, nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, việc cắt giảm lao động lớn trong quý II/2020 chắc chắn sẽ xảy ra.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của các doanh nghiệp ngành nhôm ước giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và còn có thể tiếp tục giảm trong quý II/2020 nếu tình hình bệnh dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

Dự báo trong quý II/2020, các doanh nghiệp sẽ cắt giảm khoảng 20 - 40% việc làm do thiếu nguyên liệu sản xuất và nhu cầu thị trường đang giảm mạnh bởi dịch Covid. Một số ít doanh nghiệp có đủ nguyên liệu sẽ tiếp tục duy trì sản xuất để sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho thị trường sau khi hết ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cần được hỗ trợ

Theo ông Phụ, hiện tại, các doanh nghiệp đang cố gắng làm tròn vai trò trách nhiệm xã hội của mình là duy trì sản xuất, tăng hàng tồn kho thành phẩm để lấy việc cho công nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào tốt lắm cũng chỉ duy trì khoảng hơn 1 tháng nữa là hàng sẽ đầy kho và thiếu vốn.

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất nhôm gần như bế tắc, không có biện pháp gì để kích cầu sản phẩm. Với diễn biến dịch bệnh như thế này, chưa biết thị trường sẽ đi về đâu.

Trước khó khăn này, giải pháp căn cơ mà Hiệp hội Nhôm Việt Nam đưa ra trước mắt là nguồn nguyên liệu. Theo Hiệp hội, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, thay thế cho nguồn cung tại Trung Quốc và các nơi đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài ra, về thị trường tiêu thụ, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới thay thế cho thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung đáp ứng thị trường nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp có thể sẽ phải giảm lao động, giảm lương, tạm thời cho nghỉ luân phiên hoặc cho phép một số bộ phần hành chính, kinh doanh làm việc online, làm việc tại nhà. Cần có kế hoạch điều động nguồn nhân lực để duy trì các bộ phận cần thiết phục vụ sản xuất kinh doanh, chuẩn bị phương án dự phòng cần thiết nếu doanh nghiệp có người mắc bệnh phải cách ly; hỗ trợ người lao động không có việc làm hoặc bị cách ly…

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các đơn vị cung ứng nguyên liệu (nhôm Billet, ingot), phụ liệu cho sản xuất nhôm (sơn, hóa chất, khuôn mẫu, thiết bị phụ kiện kèm theo…).

Ông Nguyễn Minh Kế cho biết, Hiệp hội đã có văn bản “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận Tải, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế VAT xuống 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%, giảm thuế xuất khẩu nhôm thanh định hình.

Giảm lãi suất, giãn nợ đối với các khoản vay ngắn hạn và trung hạn cho doanh nghiệp. Miễn, giảm cước phí cầu đường bộ để giảm chi phí lưu thông cho các doanh nghiệp. Giảm tỷ lệ thu bảo hiểm xã hội hoặc dừng thu bảo hiểm xã hội trong ít nhất 6 tháng; cho phép doanh nghiệp khó khăn được chậm nộp bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, rút ngắn thời gian thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu. Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp cung cấp phụ liệu sản xuất ngoài Trung Quốc. Có như vậy, doanh nghiệp nhôm Việt Nam mới ổn định được sản xuất lấy lại thế cân bằng thị trường khi dịch đi qua.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan