Mới chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn từ ngân hàng là một trong những thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp tổ chức ngày 28/7.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Kế toán trưởng CTCP Thương mại Dịch vụ và Xây lắp Dầu khí nhận xét, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy còn nhiều yếu kém, nhưng tiềm năng của các doanh nghiệp rất lớn, nếu ngân hàng gỡ được nút thắt, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp thì sẽ đạt được những tiêu chí bền vững trong hoạt động tín dụng.
“Thời gian vừa qua, nợ xấu là nỗi ám ảnh với các ngân hàng, nhưng tôi tin rằng, phần lớn nợ xấu của các ngân hàng không phải đến từ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Phương nói và cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn nhưng không thể vay được. Nhiều ngân hàng có các chương trình hỗ trợ tín dụng cho khối doanh nghiệp này, nhưng hiệu quả trên thực tế không cao. Có cung, có cầu, nhưng không gặp nhau.
Theo bà Phương, các chương trình tín dụng cần có cán bộ tín dụng đủ năng lực để tư vấn cho doanh nghiệp những điểm còn thiếu, khảo sát đánh giá tổng thể dự án để có thêm cơ sở bảo lãnh cho doanh nghiệp. Nên chia các gói tín dụng theo ngành nghề. Căn cứ vào các đặc điểm ngành nghề thì sẽ dễ tạo nên các tiêu chí đồng bộ, từ đó dễ dàng triển khai hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, doanh nghiệp thường kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng đối với HDBank, với định hướng phát triển khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng đã chủ động kết nối các hiệp hội, các tổ chức để xây dựng chương trình tín dụng riêng cho từng nhóm khách hàng. Ngân hàng cũng mở rộng mạng lưới để phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói đối với các doanh nghiệp lớn nhỏ và cá nhân; chú trọng vào tài sản bảo đảm là dòng tiền để nâng cao tỷ lệ cho vay; quy trình cho vay đơn giản...
Cụ thể hơn, ông Nam chia sẻ về việc HDBank đã xây dựng các chương trình cho vay chuyên biệt theo ngành nghề như sản xuất - kinh doanh điều, gạo, cà phê, dệt may, nhựa… Đồng thời, lý giải về việc tại sao Ngân hàng đòi hỏi khách hàng phải thế chấp tài sản cá nhân hay tài sản đảm bảo của chính doanh nghiệp: “Ngân hàng hiểu rằng, doanh nghiệp tin vào tương lai sẽ phát triển tốt nên vay vốn đầu tư. Doanh nghiệp cần thể hiện tiền tin đó bằng cách chia sẻ với ngân hàng những tài sản mình có và sử dụng chúng làm tài sản bảo đảm để ngân hàng tin tưởng cho vay. Nếu doanh nghiệp lo ngại, không dám đưa tài sản ra thế chấp, thì điều này chứng tỏ phương án kinh doanh đang có vấn đề”.
GS. Nguyễn Xuân Thảo, chuyên gia về giao dịch bảo đảm của IFC cho rằng, bên cho vay không thể cứ ngồi trong văn phòng mà phải đi ra ngoài, lắng nghe doanh nghiệp nói mới thấu hiểu được hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải hiểu công việc kinh doanh của mình để có thể mô tả chính xác hoạt động có những điểm gì mới hay quan trọng khiến ngân hàng phải cấp vốn.
“Phải mô tả hoạt động của doanh nghiệp mình trong 3 phút, chứ không phải là tận 30 phút rồi để ngân hàng vẫn không biết doanh nghiệp đang làm gì. Còn đối với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ là những cái cây nhỏ và họ cần các bạn”, GS. Thảo nói.