Doanh nghiệp mong mỏi gói hỗ trợ thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng cao đã cho thấy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch thời gian qua chưa đủ liều lượng.
Gói hỗ trợ thứ hai phải được thiết kế công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng và thiết thực hơn.

Gói hỗ trợ thứ hai phải được thiết kế công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng và thiết thực hơn.

Nhiều doanh nghiệp “rời cuộc chơi”

Năm 2020, có 179.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, thì có trên 101.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14% so với năm 2019. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có trên 100.000 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động.

“Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn chưa từng thấy, dù Chính phủ đã rất nỗ lực thực hiện nhiều chính sách tiền tệ, tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc đánh giá, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ triển khai năm 2020 và tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 tương đối kịp thời, rộng khắp, toàn diện, nhưng cần phải sơ kết, tổng kết, đánh giá gói hỗ trợ thứ nhất. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 5 tháng đầu năm nay tiếp tục gia tăng đã cho thấy một số hợp phần của gói hỗ trợ thứ nhất không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

“Bên cạnh những giải pháp tức thời, cần tập trung rà soát cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn tổng thể để làm sao đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng, giảm chi phí, thời gian, mới mong doanh nghiệp thoát khỏi ‘đại nạn’ đang phải đối mặt”, ông Lộc đề xuất.

Nhiều khả năng năm 2021, số doanh nghiệp “rời cuộc chơi” tiếp tục tăng cao, vì trong 5 tháng đầu năm, đã có trên 59.820 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 59% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2020. Trong khi đó, trên 78.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2020.

“Như vậy, về cơ bản, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm nay không có sự thay đổi, nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã gần bằng 60% so với năm 2020 và gần bằng 83% năm 2019 (72.400 doanh nghiệp) là con số rất đáng quan ngại”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ông Phan Đức Hiếu nhận xét.

Theo ông Hiếu, phần lớn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Gói hỗ trợ thứ hai phải công bằng, thiết thực hơn

Gói hỗ trợ thứ nhất triển khai từ năm 2020 vẫn tiếp tục được thực hiện. Còn gói hỗ trợ thứ hai mới chỉ được các cơ quan hoạch định chính sách bàn bạc. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh nhiều chưa từng có, thì nhất thiết phải có gói hỗ trợ thứ hai.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào GDP, nên theo ông Hiếu, lúc này, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, quyết liệt hơn gói hỗ trợ đã và đang thực sự trở nên khẩn cấp hơn rất nhiều. Ông Hiếu cho rằng, gói hỗ trợ thứ hai phải được thiết kế công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng và thiết thực hơn.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là một trong 2 địa phương có số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều nhất. Để cứu doanh nghiệp, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, ngoài các giải pháp, chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, Hà Nội còn thực hiện các gói hỗ trợ riêng với mục tiêu giúp doanh nghiệp “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Quân, thời gian diễn ra dịch bệnh cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu, vì vậy, Trung tâm đã chủ động kết nối với các chuyên gia kinh tế tổ chức tư vấn cho doanh nghiệp tái cơ cấu. Chi phí tư vấn tái cơ cấu được ngân sách Thành phố hỗ trợ một phần, phần còn lại doanh nghiệp chi trả, hy vọng, sau khi được tư vấn, doanh nghiệp sẽ tìm ra hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới và sẽ phát triển sau khi đại dịch qua đi.

“Doanh nghiệp lớn tạo việc làm cho cả ngàn lao động, thậm chí lên tới hàng chục ngàn lao động, tạo ra cả chuỗi cung ứng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất lớn, nên ngoài chính sách hỗ trợ chung, cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn vì khi doanh nghiệp lớn phát triển, sẽ kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Quân đề xuất.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan