Doanh nghiệp FDI và VPE500 "chèn lấn" doanh nghiệp tư nhân trong nước

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của doanh nghiệp FDI làm giảm 0,32% vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước trong năm hiện tại và giảm thêm 0,16% trong năm tiếp theo.
Vingroup đã ghi dấu ấn đậm nét vào nền kinh tế Việt Nam ở 2 điểm nhấn trong lĩnh vực bất động sản và xe ô tô với thương hiệu VinFast.

Vingroup đã ghi dấu ấn đậm nét vào nền kinh tế Việt Nam ở 2 điểm nhấn trong lĩnh vực bất động sản và xe ô tô với thương hiệu VinFast.

Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và có được dấu ấn riêng.

Với mức doanh thu tỷ USD như: Masan Group, Thế giới Di động, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank, Vingroup… cho đến việc thành lập quỹ, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu để tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Vingroup, FPT… và cũng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Mặc dù vậy, Việt Nam hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Báo cáo các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở Việt Nam (VPE500), do Viện Chiến lược phát triển (VIDS) phối hợp với Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng - Tổng cục Thống kê (GSO) thực hiện và do Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) tài trợ cũng cho thấy, các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Để lớn mạnh được, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển.

Báo cáo lần đầu tiên về VPE500 đã được công bố năm 2022, trong đó sử dụng thông tin Tổng điều tra Doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 2016-2019. Khác với Báo cáo năm 2022, trong đó thảo luận về bức tranh chung về phân bổ và biến động của VPE500 khi nền kinh tế Việt Nam được cho là tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 6,5% với nhiều thuận lợi từ bên ngoài và bên trong. Báo cáo lần này tập trung vào phân tích biến động của VPE500 trong giai đoạn 2021-2022 khi nền kinh tế gặp cú sốc Covid -19.

Đáng chú ý, VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE500 làm tăng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo. Điều này cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp vệ tinh của VPE500.

Đầu tư công có tác động lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, nhưng tác động nhỏ hơn khoảng 3 lần tác động của VPE500 và chỉ có hiệu lực cao trong năm đầu tiên.

Có bằng chứng về việc doanh nghiệp VPE500 và FDI “chèn lấn thị trường” doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Doanh thu của VPE500 tăng 1% sẽ làm giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân 0,11% trong năm tiếp theo và tác động cạnh tranh này 5 chủ yếu từ doanh nghiệp VPE500 cùng ngành và hạ nguồn.

Trong khi đó, doanh thu của doanh nghiệp thuộc VPE500 ở thượng nguồn thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động tăng theo thời gian.

Tương tự, cạnh tranh từ doanh nghiệp FDI cùng ngành và ở hạ nguồn làm giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Các VPE500 hạ nguồn (VPE500 là khách hàng của doanh nghiệp tư nhân, hoặc doanh nghiệp tư nhân là nhà cung cấp của VPE500) có tác động tích cực tới năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân trong nước nhỏ hơn. Điều này là phù hợp với lý thuyết, các doanh nghiệp nhỏ nếu trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp lớn thì có thể có lợi về mặt năng suất chuyển giao công nghệ, kỹ thuật…).

Điều này có thể do số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước là rất lớn nên tác động của VPE500 tới khách hàng là doanh nghiệp tư nhân trong nước không lớn, trong khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước khác chịu tác động âm về tiếp cận nguồn lực.

Tuy nhiên, VPE500 có tác động tiêu cực về năng suất tới các khách hàng là doanh nghiệp tư nhân khác, mặc dù mức tác động thấp (chỉ khoảng 0,048% và tăng lên 0,054% vào năm tiếp theo).

Điều này có thể do số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước là rất lớn và tác động của VPE500 tới nhóm khách hàng này không lớn, trong khi doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chịu tác động âm về mặt tiếp cận nguồn lực.

Nếu so sánh giữa tác động của VPE500 tới doanh nghiệp tư nhân khác và giữa các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp tư nhân có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể tác động tiêu cực của cạnh tranh cùng ngành do doanh nghiệp FDI tạo ra nhỏ hơn khoảng 2 lần tác động của VPE500 cùng ngành.

Điều này có thể do doanh nghiệp FDI chủ yếu là xuất khẩu nên ít có tác động cạnh tranh trực tiếp. Tác động tích cực trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân là nhà cung cấp của doanh nghiệp FDI cao hơn đáng kể (khoảng 0,078 điểm %) so với tác động của VPE500.

Phân tích về VPE500 và quan hệ với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung cho thấy cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Các chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng.

Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

Tin bài liên quan