CTCP Tập đoàn Điện lạnh điện máy Việt Úc (Kangaroo) được biết đến là thương hiệu hàng đầu trên thị trường về máy lọc nước, song không vì thế mà Hãng bỏ qua việc tìm tòi những hướng đi mới.
Theo đó, viện nghiên cứu và ứng dụng ra đời, công ty công nghệ được thành lập thể hiện quyết tâm theo đuổi chiến lược “chỉ kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe”.
Từ cuối năm 2018 đến nay, Kangaroo được cấp 5 bằng sáng chế độc quyền máy lọc nước và sản phẩm Kangaroo Hydrogen ra đời đã tạo nên một xu hướng mới trên thị trường này.
Công nghệ tạo Hydrogen bằng khoáng gốm, cho nguồn nước giàu Hydrogen với khả năng làm chậm hơn quá trình lão hóa và nhiều tác dụng tốt cho cơ thể... Ngoài ra, Kangaroo Hydrogen còn được trang bị công nghệ lọc RO Vortex thế hệ mới nhất, được nghiên cứu, sáng chế bởi Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Kangaroo Hàn Quốc.
Với Tập đoàn Asanzo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, tuy mới gia nhập thị trường được 5 năm, nhưng Asanzo có được thành công như ngày hôm nay là nhờ chiến lược sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.
Asanzo hướng tới phân khúc giá rẻ, nhưng chọn các đối tác cung cấp thiết bị là các tập đoàn lớn như Samsung, LG… để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện thị trường nông thôn chiếm 70% doanh số của Asanzo.
Sản phẩm TV LED của Asanzo có giá phù hợp với thu nhập của người dân khu vực này, phổ biến từ 2-5 triệu đồng, đi kèm thời hạn bảo hành dài hạn. Asanzo hiện có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử gia dụng, điện lạnh, điện thoại thông minh. Năm 2018, Asanzo bán ra hơn 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng.
CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) mới đây đã đăng ký thêm tính năng mua hàng xuyên biên giới trên website Công ty và là doanh nghiệp bán lẻ đầu tiên bổ sung tính năng này trong hoạt động bán hàng trực tuyến. Động thái mới này cho thấy toan tính của FPT Retail nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT Retail chia sẻ, bán hàng xuyên biên giới là một trong số các dự án FPT Retail đang thử nghiệm và nếu thực sự hiệu quả sẽ được đầu tư phát triển mạnh hơn. "Có nhiều lý do khiến FPT Retail phải luôn tìm tòi những dự án mới, trong đó có nguyên nhân mảng điện thoại đã bão hoà", bà Điệp nói.
Thực tế, ngoài dự án mới trên, trước đó, FPT Retail đã mở rộng hoạt động sang mảng kinh doanh dược phẩm. Theo lãnh đạo FPT Retail, dự kiến vài năm tới, mảng này sẽ tăng trưởng mạnh, thậm chí đóng vai trò dẫn dắt chính trong các hoạt động của Công ty.
Kết thúc quý I/2019, FPT Retail đạt doanh thu thuần 4.017 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ trong so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 63,9 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới di động (MWG) cho biết, năm nay, ngành điện thoại và điện máy dự báo tăng trưởng thấp, trong đó điện thoại tăng trưởng 10%, máy lạnh 11% các ngành khác đều dưới 10%. Theo lãnh đạo MWG, nhu cầu tiêu thụ điện thoại thông minh đã bão hòa, nên các doanh nghiệp bán lẻ như MWG cần phải tìm hướng đi mới.
Hồi đầu năm nay, thị trường rộ lên thông tin MWG sẽ bán đồng hồ, máy lọc nước... để đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu, đồng thời cải thiện cách bày trí sản phẩm ở các cửa hàng để tối ưu hóa diện tích cho hiệu quả tốt nhất.
Dịp đỉnh điểm nắng nóng vừa qua, doanh thu từ các sản phẩm máy lạnh, quạt điều hoà... của MWG ghi nhận tốc độ tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản phẩm máy lạnh, MWG đã bán ra gần 200.000 bộ chỉ trong 1 tháng qua, gần bằng nửa tổng khối lượng bán ra trong cả năm 2018.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 34.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.424 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 36% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó hoàn thành tương ứng 31% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.