Cùng tắc biến...
Là doanh nghiệp có 15 năm gắn bó với thị trường bất động sản TP.HCM, song sau vụ đấu giá 4 ô đất vàng ở Thủ Thiêm với mức giá đấu thành công lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2, vị tổng giám đốc doanh nghiệp này đã phải thốt lên rằng: “Thật khó tin với mức giá này, sắp tới cánh cửa trở lại TP.HCM của nhiều doanh nghiệp sẽ càng khép chặt”.
Theo vị tổng giám đốc trên, khoảng 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp ông phải tìm cơ hội đầu tư ở nhiều địa phương khác khi môi trường kinh doanh ở thị trường chính là TP.HCM ngày một khắc nghiệt.
“Dù vậy, từ trước tới nay, trong chiến lược của chúng tôi vẫn xác định TP.HCM là thị trường nhiều tiềm năng và luôn chờ đợi cơ hội để quay về”, vị này nói và tiết lộ, trong vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua, doanh nghiệp ông có tham gia và xem đây là cơ hội quay trở lại “sân chơi” chính, nhưng phải bỏ cuộc vì không thể theo được giá đấu.
Thực tế, không phải đến bây giờ, mà từ vài năm trước, hầu hết doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM đã chủ trương “đánh bắt xa bờ” khi quỹ đất phát triển dự án dần cạn kiệt. Ngay với các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Nam Long…, số lượng dự án mới tại TP.HCM cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khi môi trường kinh doanh tại TP.HCM trở nên khắc nghiệt hơn, việc dịch chuyển sang các thị trường lân cận là xu hướng tất yếu. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các địa phương lân cận TP.HCM, đặc biệt là khu vực miền Đông Nam Bộ, thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của các nhà phát triển bất động sản.
Chẳng hạn, theo nguồn tin từ doanh nghiệp, đến hiện tại, Tập đoàn Novaland đã sở hữu hơn 5.400 ha đất vùng ven TP.HCM. Nếu như trong giai đoạn 2008-2017, Novaland chủ yếu đầu tư các dự án nhà ở tại TP.HCM, thì từ năm 2018 trở lại đây, chủ đầu tư này tập trung phát triển các khu đô thị vệ tinh, tổ hợp bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí tại nhiều địa phương lân cận TP.HCM, với một loạt đại dự án đại đô thị, nghỉ dưỡng quy mô từ vài chục đến hàng ngàn héc-ta như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City Đồng Nai…
Ngoài Novaland, thời gian qua, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng thu gom hàng ngàn héc-ta đất tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng… để phát triển dự án mới. Với Tập đoàn Đất Xanh, sau khi “mắc kẹt” với dự án Gem Riverside ở TP. Thủ Đức, việc mở rộng quỹ đất được thực hiện rốt ráo, tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…
Tập đoàn Nam Long gần đây cũng công bố nhiều dự án quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Đồng Nai… Hay như Tập đoàn Danh Khôi, trong 2 năm qua đã “thâu tóm” thành công cả chục dự án quy mô lớn nhỏ, nhưng không có dự án nào ở TP.HCM, mà chủ yếu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng…
Trong làn sóng “đánh bắt xa bờ”, các doanh nghiệp bất động sản quy mô vừa và nhỏ cũng không đứng ngoài cuộc. Đơn cử, mới đây, Phúc Điền Invest và Công ty Long Gia An - chủ đầu tư dự án Gia An Lakeside đã hợp tác phát triển Khu dân cư Gia An Lakeside tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Công ty Phúc Điền Invest, dự án có quy mô gần 3,5 ha với 213 sản phẩm đất nền.
“Dự án vừa có quy mô phải, pháp lý hoàn chỉnh, mức giá bán hợp lý, nên vừa công bố đã nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường”, ông Hoài nói và cho rằng, với những doanh nghiệp tầm trung đến nhỏ, việc chọn các thị trường ngách để phát triển dự án là chiến lược tối ưu nhất hiện nay.
Tương tự, Công ty Asia New Time đang hợp tác đầu tư một số dự án tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Ngọc Châu Á thì lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) để làm dự án nghỉ dưỡng núi, còn Công ty Đô thị mới Thủ Thiêm về miền Tây phát triển dự án đất vườn…
Nhiều gia đình chấp nhận đi xa hơn để có không gian sống tốt với giá mềm hơn. Ảnh: Lê Toàn |
... biến tắc thông
Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, vài năm trước, việc các doanh nghiệp hướng về vùng ven để phát triển dự án là sự chuyển dịch “tình thế”, thì nay, đây chính là các thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển.
Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty DRH Holdings đánh giá, với thị trường địa ốc phía Nam, TP.HCM vẫn luôn được xác định là thị trường trọng điểm, bởi đây là một siêu đô thị, có nhu cầu nhà ở thực rất lớn. Tuy nhiên, theo thời gian, quỹ đất phát triển dự án dần cạn kiệt, đẩy giá nhà đất nội đô liên tục tăng cao, trong khi thủ tục pháp lý dự án cũng bị siết chặt hơn, chưa kể làn sóng giãn dân đô thị cũng diễn ra ngày một mạnh mẽ, những yếu tố này thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản hướng đến các thị trường vùng ven, nơi quỹ đất còn nhiều và giá đất cũng “mềm” hơn.
“Trước đây, sự dịch chuyển này được xem là giải pháp tình thế, do các chủ đầu tư buộc phải tìm hướng đi mới vì dư địa khai thác thị trường TP. HCM ngày một khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, câu chuyện này đã khác, khu vực miền Đông Nam Bộ dần trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam”, ông Sơn nói, đồng thời cho rằng, yếu tố tạo động lực lớn nhất để các doanh nghiệp đổ mạnh vốn vào miền Đông Nam Bộ hay khu vực miền Trung là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng kết nối, giúp thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Trên thực tế, từ sau khi có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và gần đây là sự khởi động của sân bay quốc tế Long Thành cùng một loạt tuyến đường kết nối Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với TP.HCM, đã rút ngắn đáng kể khoảng cách cả về không gian lẫn thời gian giữa các địa phương này. Khi hạ tầng giao thông kết nối dần hoàn thiện, thị trường bất động sản dọc theo các tuyến đường này cũng dậy sóng, đặc biệt là các dự án liền kề các trục hạ tầng sân bay và dọc ven sông Đồng Nai, với loạt dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư để đón đầu cơ hội.
Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Asia New Time, ngoài yếu tố hạ tầng mở lối cho các vùng miền, còn có yếu tố quan trọng khác là quỹ đất lớn, giá đất ở các địa phương còn “mềm” so với TP.HCM. Ông Tiến lý giải sự phát triển của thị trường bất động sản phía Nam theo 3 nhu cầu chính, đó là ở thực, sở hữu ngôi nhà thứ 2 và đầu tư.
“Về nhu cầu ở thực, trước tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của khu vực này, đặc biệt là TP.HCM, một siêu đô thị với dân số đã vượt mức 13 triệu người, nhu cầu nhà ở không ngừng tăng cao, trong khi quỹ đất phát triển dự án hạn chế, đã đẩy giá nhà đất liên tục tăng, vượt ngoài khả năng của đại bộ phận người dân nơi đây. Do đó, khi hạ tầng phát triển, câu chuyện làm việc tại TP.HCM, nhưng sinh sống tại Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí xa hơn như Bình Phước… sẽ dần phổ biến. Đây cũng là xu hướng từng diễn ra ở các nước phát triển. Với xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ 2, trước đây, việc sở hữu một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng thường chỉ dành cho người giàu có, nhưng tệp khách hàng này ngày càng tăng mạnh và căn nhà thứ hai được chủ sở hữu thường xuyên sử dụng vào những dịp cuối tuần do giao thông thuận lợi hơn. Mặt khác, bất động sản vốn là tài sản giá trị lớn, lại có lợi thế tăng giá theo thời gian, nên nhu cầu sở hữu với tài sản này luôn hiện hữu, dù là để ở hay đầu tư”, ông Tiến phân tích.