Tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động đang trong tình thế cấp bách.
Thông tin cập nhật tình hình đăng ký kinh doanh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ghi nhận tình hình trên. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4/2021 đến giờ thực sự đã ăn mòn phần sức khỏe còn lại của rất nhiều doanh nghiệp.
Tất nhiên, nói về số tuyệt đối, phần lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, kể cả doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hay đang chờ giải thể, chủ yếu nằm ở nhóm quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, với tỷ lệ 90,5% tổng số. Sức yếu, năng lực cạnh tranh kém là nguyên nhân chính. Nhưng con số 226 doanh nghiệp quy mô trên 100 tỷ đồng có trong danh sách tạm ngừng và 342 doanh nghiệp trong danh sách chờ giải thể là đáng lo ngại, đáng để các nhà hoạch định chính sách quan tâm.
So với năm ngoái, các con số này có mức tăng 23-29%. Đó là chưa kể 131 doanh nghiệp quy mô này đã hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng qua. Đặc biệt, số doanh nghiệp có thâm niên trên 10 năm trong các danh sách này cũng đang ở mức cao (chiếm khoảng 21,5% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và 19,7% số doanh nghiệp đã giải thể).
Vẫn biết thị trường là cạnh tranh, là đào thải, khó khăn cũng là lúc doanh nghiệp tái cơ cấu, tìm kiếm năng lực cạnh tranh mới, nhưng với các doanh nghiệp có thâm niên, có quy mô vốn vừa và lớn, việc lựa chọn dừng lại chắc chắn là quyết định không dễ. Số phận của nhiều gia đình lao động cũng rơi vào tình thế khó khăn.
Cách đây vài ngày, trong báo cáo giải trình trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc tới tình trạng trên. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro thu hồi nợ và mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoạt động do những khó khăn bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao, cộng với đó là chi phí phòng ngừa Covid-19...
Song khó khăn vẫn chưa dừng lại khi dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở nhiều trung tâm kinh tế, nhiều khu công nghiệp.
Rất có thể, những con số trên sẽ còn tăng khi doanh nghiệp trong thế vừa gồng mình duy trì sản xuất - kinh doanh, vừa tìm cách ứng phó với các quy định, điều kiện phòng chống dịch bệnh liên tục được các địa phương cập nhật. Rủi ro trong hoạt động tăng lên cùng với các khoản chi phí.
Nhiều doanh nghiệp đã phải gửi văn bản kêu khó tới các cấp chính quyền.
Tuần trước là những ách tắc trong lưu thông hàng hóa trên các tuyến đường cửa ngõ khi nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống Covid-19. Không ít doanh nghiệp đã lỡ thời gian giao hàng cho đối tác.
Tuần này, nhiều doanh nghiệp phía Nam đang rất lo lắng khi mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang biến doanh nghiệp có nguy cơ trở thành ổ dịch mới, đồng nghĩa với nguy cơ phải dừng sản xuất...
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và nhiều địa phương vào cuộc rất nhanh, liên tục ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng khó khăn, ách tắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có quá nhiều quy định của các ngành, các địa phương đang chồng chéo, thiếu thống nhất. Có những đề xuất không ai dám quyết định... do có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa được quy định trong văn bản. Thậm chí, nhiều đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang được nghiên cứu, nhưng chưa thể ban hành do vượt thẩm quyền Chính phủ.
Cũng rất khó trách doanh nghiệp khi họ tiếp tục kêu khó. Nếu tình hình này kéo dài, hệ lụy sẽ là đứt gãy chuỗi sản xuất. Không chỉ một vài doanh nghiệp, một vài gia đình lao động, một vài địa phương, mà cả nền kinh tế sẽ chịu tác động bất lợi của tình trạng trên.
Lúc này, phải nhắc ngay tới một trong những nội dung của Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa được thông qua vào ngày làm việc cuối cùng (28/7). Đó là: “Tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện”.
Đây là lần đầu tiên, Quốc hội trao quyền cho Chính phủ để kịp thời xử lý các vấn đề cấp bách trong phòng chống dịch bệnh.
Tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động đang trong tình thế cấp bách...