Doanh nghiệp chăn nuôi đuối sức vì TPP

Doanh nghiệp chăn nuôi đuối sức vì TPP

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong 12 thành viên đã đi tới những vòng đàm phán cuối cùng. Trong khi không ít ngành hàng kỳ vọng lớn về khả năng mở rộng thị trường, thì ngành chăn nuôi lại có vẻ thờ ơ với TPP.

Thịt ngoại tràn thị trường

Ông Kiều Minh Lực, đại diện Công ty CP Thái Lan tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo cam kết TPP, đặc biệt là nguồn  thịt bò, gà, lợn từ 4 quốc gia Mỹ, Canada, Australia, New Zealand… hiện đã tràn ngập thị trường Việt Nam.

TPP kỳ vọng được ký vào cuối năm 2013, đầu năm 2014, theo đó, 12 quốc gia thành viên phải mở cửa ngành chăn nuôi bằng cách giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, dù các mức thuế nhập khẩu cụ thể vẫn chưa được quyết định.

Doanh nghiệp chăn nuôi đuối sức vì TPP ảnh 1

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng chịu tác động mạnh khi TPP có hiệu lực

Chưa cần chờ đến thời điểm TPP có hiệu lực, theo ông Lực, gần đây, một lượng thịt gà rất lớn nhập khẩu từ các quốc gia thành viên TPP đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của CP trên thị trường. 

Đáng chú ý là, trong khi thịt bò nhập khẩu vẫn phải chịu thuế, nhưng vào đến Việt Nam, chỉ có giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, thì thịt nội địa loại 1 được bán tại hệ thống các siêu thị có giá 260.000 - 280.000 đồng/kg. Với mức chênh lệch không lớn, rất nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn thịt bò nhập khẩu.

Một DN chăn nuôi gà tại Bắc Giang cho biết, chi phí sản xuất 1kg thịt gà (hơi) hiện khoảng 60.000 đồng. Giá bán nguyên con ra thị trường là 70.000 đồng/kg. Giá bán đã qua giết mổ là 110.000 đồng/kg. Trong khi gà nhập khẩu chỉ có giá dưới 100.000 đồng/kg. Như vậy, gà nhập khẩu càng nhiều, DN trong nước càng khó cạnh tranh.

Tại Hội nghị “Hiệp định TPP và sự tham gia của Việt Nam” do Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức trung tuần tháng 11/2013 tại Hà Nội, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nhiều dòng thuế sẽ giảm ngay về 0%, hoặc có lộ trình giảm rất nhanh khi TPP được thông qua. Mức thuế trung bình thịt nhập khẩu ở mức 15%, được đưa về 0% sẽ khiến ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề.

Nhưng thê thảm hơn là DN chăn nuôi gà. Năm 2012 - 2013, thị trường trong nước đã có cuộc đổ bộ lớn của thịt gà nhập khẩu, thậm chí cả gà phế thải từ các nước Thái Lan, Hàn Quốc…

Công ty cổ phần Giang Sơn, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, phân phối gia cầm tại Yên Thế (Bắc Giang) với sản lượng 200 tấn thịt gà/năm cho hay, gà nhập ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam với số lượng lớn, đang tác động xấu đến doanh thu và sản lượng gà tiêu thụ của Công ty.

 

Doanh nghiệp thờ ơ với TPP

Lo ngại của ngành chăn nuôi về khả năng thua thiệt ngay trên sân nhà là hoàn toàn có cơ sở.

Theo báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi TPP có hiệu lực, bởi nhiều thành viên TPP, đặc biệt là Mỹ, Canada, Australia, New Zealand là các nước có thế mạnh về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng kém và chưa xuất khẩu được vào các thị trường lớn là do vướng về quy mô và các rào cản kỹ thuật.

PGS-TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các sản phẩm thịt, từ bò, gà, lợn… nhập khẩu từ Mỹ, Australia hay từ các nước ASEAN có giá rất cạnh tranh, do họ chăn nuôi quy mô lớn, trong khi chăn nuôi bò tại Việt Nam quy mô nhỏ, giống chất lượng kém.

Với quy mô sản xuất nhỏ, không đồng đều, số lượng doanh nghiệp lớn ít, ngành chăn nuôi đang bị đe dọa mạnh bởi hội nhập, khi các dòng thuế nhập khẩu được đưa về 0%. Và thực tế, không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng, mà cả những DN lớn có vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như CP Việt Nam, Cargill đều cảm nhận được tác động ngay từ lúc này.

Trong khi đó, khi hỏi về tác động của TPP với ngành chăn nuôi, nhiều DN trong nước lại tỏ ra thờ ơ và không quan tâm tới việc Việt Nam sắp là thành viên TPP cùng những tác động thuận, nghịch mà TPP mang lại.

>> Việt Nam tham gia phiên đàm phán TPP