Doanh nghiệp bảo hiểm, trọng chất hơn lượng

Doanh nghiệp bảo hiểm, trọng chất hơn lượng

(ĐTCK) Tiếp theo năm 2011, năm 2012 có thể coi là một năm nhiều thách thức đối với thị trường bảo hiểm.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, để đối phó với khó khăn, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động có những thay đổi đáng kể về quan điểm, chiến lược kinh doanh. Thay vì tăng trưởng nhanh, bền vững có lẽ sẽ là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến đổi.

Đa dạng sản phẩm và kênh phân phối

Điều dễ nhận thấy nhất trong năm tiếp theo của cuộc khủng hoảng kinh tế là chưa bao giờ khách hàng bảo hiểm lại có nhiều lựa chọn sản phẩm như vậy. Khối bảo hiểm nhân thọ liên tiếp tung ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Chỉ tính sơ bộ từ đầu quý III/2012 đến nay, đã có ít nhất 6 sản phẩm bảo hiểm được các công ty bảo hiểm nhân thọ tung ra thị trường. AIA Việt Nam với Tài Lộc An Phát, Prudential với Phú An Lộc, Manulife Việt Nam với chùm 2 sản phẩm Điểm tựa an phát và Điểm tựa yêu thương. Và mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã chính thức giới thiệu ra thị trường sản phẩm “Bảo hiểm hỗ trợ chi phí chữa trị bệnh nan y”…

Thị trường còn hứa hẹn đón nhận những dòng sản phẩm mới nữa trong những tháng đầu năm 2013. Khối phi nhân thọ cũng không kém cạnh với hàng loạt sản phẩm nhắm vào khách hàng cá nhân với mức phí một năm chưa đến 1 tô phở. Chẳng hạn như sản phẩm bảo hiểm cháy nổ, mất cắp và mất trộm toàn bộ xe mô tô…

Doanh nghiệp bảo hiểm, trọng chất hơn lượng ảnh 1

Thị trường bảo hiểm hứa hẹn tiếp tục đón nhận nhiều dòng sản phẩm mới trong những tháng đầu năm 2013

Theo ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc BIC, kinh tế khó khăn buộc doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, bớt phụ thuộc vào các sản phẩm truyền thống và ít sự khác biệt - vốn là ưu tiên của các doanh nghiệp trong giai đoạn trước. Nhờ đó mà trong 1 - 2 năm qua, thị trường bảo hiểm bán lẻ đã khởi sắc và đang mang lại cho các khách hàng cá nhân nhiều sự chọn lựa đa dạng và tiện ích.

Ngoài việc mở rộng sản phẩm cá nhân, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang triển khai sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, trong đó có: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (môi giới bảo hiểm, chứng khoán, công chứng, nhân viên ngân hàng, nhân viên kiểm toán…); Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đang xúc tiến phát triển sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm với cơ sở sản xuất - kinh doanh trong nước về sản phẩm ăn uống, giải khát, lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, phân bón…

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, sản phẩm mới, thị trường mới, khách hàng mới, có thể làm tăng trưởng quy mô thị trường với nhiều phân khúc chưa được khai thác. Đó có thể là điểm tựa của các doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cùng với việc tung ra những sản phẩm mới sát với nhu cầu khách hàng hơn thì xu hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa tập trung, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp và năng suất của hệ thống phân phối cũng là quyết tâm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang đẩy nhanh quy trình bồi thường bằng cách đưa công nghệ vào quá trình giám định, kiểm tra, chứ không làm thủ công như trước đây. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhận định, thực tế khâu giám định bồi thường và chi trả mới là bộ phận quyết định sự hài lòng của khách hàng. Khách có tái tục hay không phụ thuộc phần lớn ở khâu này.

Khối nhân thọ cũng tập trung vào 2 vấn đề quan trọng là xây dựng tính chuyên nghiệp hơn với đại lý và củng cố chất lượng dịch vụ khách hàng để đón chờ cơ hội mới. Bởi thị trường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội với khoảng 94% người dân vẫn chưa có bảo hiểm nhân thọ. “Các công ty bảo hiểm phải làm sao để phát triển chuyên sâu vào nghề. Với đại lý, phải giúp họ trở thành đại lý giỏi hay người lãnh đạo kinh doanh giỏi. Nếu làm tốt, đó là lợi ích cho 3 bên: ngành bảo hiểm, đại lý và khách hàng. Và đây sẽ là chiến lược trong nhiều năm tới”, ông Mark Tucker, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn AIA nói trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.

 

Tăng trưởng cao không còn là kim chỉ nam

Theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2012 dự kiến tăng trưởng của khối phi nhân thọ chỉ đạt 13 - 14%, nhân thọ ước đạt 11 - 12%. Đây là năm thứ hai liên tiếp, ngành bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng doanh thu năm sau thấp hơn năm trước. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đã cuốn phăng những dự báo tăng trưởng sáng sủa hồi đầu năm 2012 của ngành này.

Giám đốc maketing của một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cho biết, đến hết quý I/2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn ở mức trên 20% như những năm 2010 - 2011, nhưng sau đó, doanh thu của hầu hết các nghiệp vụ chính đều sụt giảm, đưa tốc độ tăng trưởng của thị trường trong 6 tháng đầu năm 2012 xuống còn 12,68% và 9 tháng còn 9,65%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng thực tế của từng quý chỉ khoảng 3,5% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, tất cả các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 20% trong năm 2012 cùng với các kế hoạch chi phí và lợi nhuận tương ứng. Sau đó, nhiều công ty đã phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng và lợi nhuận.

Đối với khối nhân thọ, dù có tăng trưởng nhưng so với kế hoạch đề ra đầu năm cũng không nhiều doanh nghiệp đạt được. CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, năm nay có tăng trưởng đã rất vui rồi, chứ không mong gì tăng trưởng cao. Dù không đạt được kỳ vọng, nhưng so với các ngành nghề khác trong nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm năm 2012 vẫn thuộc nhóm dẫn đầu. Thực tế, trải qua những tác động của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cẩn trọng hơn trong việc xác định thế mạnh thực sự của mình để lựa chọn chiến lược phát triển cân bằng hơn giữa hiệu quả, bền vững với doanh thu, thị phần.

“Tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước đã không còn là kim chỉ nam trong hoạt động. Việc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch ở thời điểm giữa năm sẽ là một chỉ dấu quan trọng để các doanh nghiệp bảo hiểm đặt mục tiêu phù hợp và thực tế hơn cho năm 2013, được dự báo là nền kinh tế sẽ chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc”, ông Tôn Lâm Tùng nói.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, năm 2013 còn nhiều khó khăn và thị trường bảo hiểm cũng không ngoại lệ với những khó khăn tương tự như năm 2012. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm của 2 năm qua (2011 và 2012) sẽ là căn cứ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhìn vào để xây dựng kế hoạch kinh doanh xác thực hơn.

CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ cũng cho rằng, kế hoạch kinh doanh của năm 2013 có thể không cao như kế hoạch đã xây dựng 5 năm về trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải nhìn vào hiện thực của nền kinh tế để đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, chứ không đặt ra những mục tiêu thiếu tính thực tế. Bởi sự thiếu tỉnh táo và liều lĩnh trong bối cảnh này sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro, có thể đánh mất uy tín và đem đến cho công ty những hệ lụy về sau. “Với ngành bảo hiểm nếu đánh mất uy tín, công ty sẽ khó lòng tồn tại lâu dài”, CEO này nói.