Tăng hợp tác với ngân hàng
Cuối tuần qua Prudential Việt Nam và PVcomBank đã chính thức tái ký thỏa thuận hợp tác chiến lược cho giai đoạn 10 năm tới sau 4 năm hợp tác, với cam kết hợp tác toàn diện hơn về mọi mặt. Một trong những điểm mới trong hợp đồng hợp tác này là PVcomBank sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số và ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài PVcomBank, Prudential Việt Nam còn hợp tác độc quyền với 4 ngân hàng khác là VIB, SCB, UOB và MSB (độc quyền phía Nam), nâng tổng số ngân hàng đối tác lên con số 6 (VietinBank, VIB, MSB, SCB, UOB, PVcomBank).
Theo nguồn tin riêng của Báo Ðầu tư Chứng khoán, Prudential Việt Nam hiện đang đàm phán để hợp tác với Vietcombank và đối thủ cạnh tranh trong thương vụ này là FWD - hãng bảo hiểm đến từ Hồng Kông.
Với hợp đồng hợp tác độc quyền, ngân hàng chỉ được hợp tác với một hãng bảo hiểm, trong khi một nhà bảo hiểm có thể ký với nhiều ngân hàng. Hiện tại, AIA Việt Nam đang là nhà bảo hiểm có nhiều đối tác ngân hàng nhất, với 9 ngân hàng gồm VPBank, CitiBank, HSBC, DongABank, ACB, Kienlongbank, SeABank, BaoVietBank và Public Bank, trong đó hợp tác dài hạn với chỉ VPBank.
Dai-ichi Life Việt Nam đứng thứ 2 với 8 ngân hàng, trong đó hợp tác độc quyền với 4 ngân hàng là HDBank, Sacombank, LienVietPostBank, SHB và 4 ngân hàng không độc quyền là ACB, OCB, Maritime Bank, Bac A Bank.
Về thời hạn hợp tác, Dai-ichi Life Việt Nam là hãng bảo hiểm có thời hạn hợp tác dài nhất khi ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Sacombank trong 20 năm. Ngoài ra, Dai-ichi Life Việt Nam còn hợp tác chiến lược thời hạn 15 năm với SHB. Techcombank cũng ký hợp đồng độc quyền với Manulife với thời hạn 15 năm....
Không chỉ các hãng bảo hiểm lớn, những công ty bảo hiểm quy mô nhỏ hơn cũng đang đẩy mạnh bắt tay với các ngân hàng. Ðơn cử, tính đến hết năm 2018, Mirae Asser Prevoir đã hợp tác với 7 ngân hàng.
Hiện tại, ngoại trừ Fubon và Sun Life, 16/18 công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường đều đã hợp tác với ngân hàng. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Fubon Việt Nam đã chuẩn bị sẵn 500-700 triệu USD để đầu tư cho bancassurance, sau khi bị rớt hạng về thị phần doanh thu trong 2018.
Sức hút của bancassurance
Có thể thấy, trong việc hợp tác với các ngân hàng, những hãng bảo hiểm lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn nhờ có sẵn thương hiệu tại thị trường Việt Nam, cộng với tiềm lực tài chính mạnh mẽ dựa trên sự hỗ trợ về tài chính của công ty mẹ ở nước ngoài sẵn sàng tạm ứng trước một nguồn phí không nhỏ cho ngân hàng. Doanh thu từ khoản hỗ trợ ban đầu theo hợp đồng đã ký với công ty bảo hiểm có thể mang lại hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng vào thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng.
Hiện chưa có số liệu cập nhật chính thức, nhưng theo thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), năm 2018, ở mảng nhân thọ, Techcombank là ngân hàng mang lại nguồn doanh thu lớn nhất thông qua kênh bancassurance cho thị trường bảo hiểm với gần 1.789 tỷ đồng, tiếp đến là MBBank (996 tỷ đồng), VietinBank (906 tỷ đồng), BIDV (859 tỷ đồng,) VIB Bank (701 tỷ đồng)... Tính chung, kênh bancassurance từ 48 ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã mang về khoảng 10.352.344 tỷ đồng trong năm 2018.
Về phía công ty bảo hiểm, xét về tổng doanh thu khai thác mới, Manulife dẫn đầu với hơn 1.250 tỷ đồng, tiếp đến là MB Ageas Life (1.081 tỷ đồng), Dai-ichi Life (868 tỷ đồng), AIA (818 tỷ đồng), Prudential (756 tỷ đồng)… Tính chung, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh này trong năm 2018 đạt 6.203,8 tỷ đồng.
Xét về tổng doanh thu qua kênh này, Manulife vẫn dẫn đầu với hơn 2.144 tỷ đồng, tiếp đến là Prudential (1439 tỷ đồng); MB Ageas Life (1.308 tỷ đồng), Dai-ichi Life (1.040 tỷ đồng), Aviva (905 tỷ đồng), BIDV Metlife (858 tỷ đồng)…
Ngoài các ngân hàng, kênh bancassurance còn hấp dẫn cả các công ty tài chính đang ngày một tham gia sâu như MCredit (327 tỷ đồng), Prudential Finance (85 tỷ đồng), VietinBank Leasing (73 tỷ đồng), FE Credit (27 tỷ đồng)...