Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo CTCP Gang Thép Thái Nguyên cho biết, quy định DN đại chúng/niêm yết phải công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) kèm Biên bản họp Đại hội trong vòng 24h kể từ khi diễn ra sự kiện là một điểm khó xử khi thực hiện.
Lý do, Nghị quyết ĐHCĐ quyết ngay được tại Đại hội, nhưng Biên bản họp cần một khoảng thời gian để thảo luận, chỉnh sửa cho chuẩn xác, bởi nếu chỉ ghi lại nguyên văn chất vấn và trả lời chất vấn thì có thể tạo tiếng không hay cho người này, người khác trước các chất vấn quá nóng nảy của cổ đông…
Nhiều tình huống khó xử của DN
Tại những DN kinh doanh hiệu quả, ĐHCĐ giống như một ngày hội, nơi các cổ đông hội ngộ để gặp gỡ, chia sẻ và cảm ơn Ban lãnh đạo DN. Tuy nhiên, tại các DN kinh doanh yếu kém hoặc thua lỗ, ngày đại hội thường diễn ra không mấy vui vẻ. Dù cổ đông nhỏ hầu như chưa biết cách hợp nhau lại để tạo thành một tiếng nói có trọng lượng với Ban lãnh đạo DN, nhưng đây đó đã có những người dám chất vấn thẳng, dám quy trách nhiệm cho lãnh đạo DN trước tình hình kinh doanh khó khăn.
Lãnh đạo DN ngại nhất là gặp các cổ đông “nóng mặt”, dễ tố cáo bừa người đứng đầu DN (Chủ tịch/Tổng giám đốc) ăn cắp, tham nhũng tài sản chẳng hạn. Nhẹ hơn, cổ đông thường chất vấn các kế hoạch kinh doanh tồn đọng, trách nhiệm người lãnh đạo ở đâu? Những lời hứa trong ĐHCĐ các năm trước, không làm, hoặc làm không đúng như lời nói, ai chịu trách nhiệm? Mùa ĐHCĐ 2013, tại một ngân hàng lớn, một số cổ đông lớn tiếng cho rằng, hiện trạng giá cổ phiếu thấp có lỗi lớn của Ban điều hành DN, bởi đã 10 năm nay, Ban điều hành công bố kế hoạch tìm đối tác chiến lược, nhưng thực tế không xúc tiến thực thi nhiệm vụ này.
ĐHCĐ là cơ quan quyền lực cao nhất tại DN, nơi các cổ đông có quyền thể hiện chính kiến của mình, nhưng với những chính kiến quá gay gắt hoặc trực diện tố cáo lãnh đạo DN, các DN cần một khoảng thời gian để giải thích, thương thảo với cổ đông và thống nhất nội dung ghi nhận tại Biên bản cuộc họp. Đây là lý do nhiều DN thường chỉ công bố Nghị quyết ĐHCĐ đúng hạn, còn Biên bản họp ĐHCĐ công bố sau hoặc không công bố ra công chúng để tránh tình huống khó xử khi nội tình tranh luận tại Đại hội (chưa biết thực hư ra sao) bị phơi ra thị trường.
Một tình huống khó xử khác của DN là nghĩa vụ công bố thông tin về cuộc họp của Hội đồng quản trị (HĐQT), khi cuộc họp có những thông tin thuộc dạng bí mật kinh doanh. Gỡ vướng cho tình huống này, lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội cho rằng, DN nên tách quyết định của HĐQT thành nhiều quyết định, trong đó, những gì liên quan đến nội dung phải công bố thông tin thì DN phải thực hiện, những bí mật kinh doanh không thuộc nghĩa vụ công bố thông tin thì DN có thể giữ lại.
DN sẽ bị xử phạt khi nào?
Những năm gần đây, mỗi năm, UBCK ban hành gần 200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK, trong đó, phần nhiều là xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về công bố thông tin. Đối với công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành, năm 2012, UBCK đã xử phạt 66 trường hợp vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu gồm vi phạm các quy định về công bố thông tin và báo cáo, chậm đăng ký công ty đại chúng, chào bán ra công chúng và riêng lẻ không đăng ký theo quy định, phát hành thêm không báo cáo. Đối với giao dịch cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người có liên quan, vi phạm chiếm tỷ lệ lớn nhất là không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch, tiếp theo là không báo cáo thay đổi sở hữu của cổ đông lớn, chậm báo cáo kết quả giao dịch… Theo UBCK, có nhiều trường hợp sai là do không hiểu luật, nhưng cũng không loại trừ việc một số cá nhân, DN cố tình vi phạm do có tình trạng tái phạm trên thị trường.
Để đi đến quyết định xử phạt, DN sẽ có khoảng thời gian giải trình với cơ quan quản lý sau khi nhận được công văn nhắc nhở lỗi trong công bố thông tin. Theo đó, có nhiều DN nhận công văn nhắc nhở thường xuyên từ nhà quản lý (UBCK, Sở GDCK), nhưng chưa từng bị xử phạt vì thông tin giải trình là hợp lý, không có yếu tố sai phạm mang tính chủ quan. Dù TTCK đã hoạt động được 13 năm, nhưng thái độ của nhà quản lý với trách nhiệm công bố thông tin trên thị trường vẫn là "vừa làm, vừa nắn". Tuy vậy, TTCK cần nhiều cuộc đối thoại hơn nữa giữa nhà quản lý với DN, nhà đầu tư để công tác công bố thông tin chuẩn mực hơn, tính tuân thủ cao hơn.