Các đột phá chiến lược cùng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng sẽ được thúc đẩy để tạo chuyển biến thực chất hơn. Tương tự, các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến sẽ được đẩy mạnh để tận dụng có hiệu quả cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Nhìn vào các con số, có thể thấy, kinh tế năm 2019 sẽ có bước phát triển mạnh hơn năm 2018.
Năm 2018, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, khi 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đều đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng GDP sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% mà Quốc hội đã quyết nghị cũng vào thời điểm này của năm ngoái.
Thành tựu của kinh tế 2018 sẽ tạo đà để kinh tế 2019 bứt tốc, nhưng cũng tạo áp lực cho kinh tế năm tới, bởi tất cả chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là tăng trưởng GDP, tăng kim ngạch xuất khẩu… đều được đặt trên nền tăng trưởng cao của năm 2018.
Làm sao để đạt được kế hoạch 2019 là câu chuyện không dễ, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Đòi hỏi cả sự khôn khéo, quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang biến động khôn lường, ẩn chứa nhiều rủi ro khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng. Tất cả sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Do vậy, dù là phúc hay họa thì kinh tế Việt Nam vẫn rất cần các giải pháp điều hành, ứng phó chủ động và linh hoạt.
Cũng phải nhắc lại rằng, việc thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong năm tới, mà còn cho cả giai đoạn 5 năm 2016-2020. Năm 2019 chính là năm bản lề cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, thậm chí còn cho cả Chiến lược 2011-2020. Chỉ cần lỡ một năm kế hoạch 2019, việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của cả giai đoạn sẽ bị ảnh hưởng. Kinh tế 2019 bứt tốc mạnh còn có thể tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế năm 2020, cũng như giai đoạn tiếp theo.
Bởi thế, khung kế hoạch kinh tế 2019 dù đã được định hình, nhưng điều quan trọng là tìm ra giải pháp để hoàn thiện kế hoạch đó.
Trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 đã vạch ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện để hoàn thành Nghị quyết, song các giải pháp cụ thể cho từng nhóm vấn đề vẫn cần được đặt ra cụ thể, quyết liệt hơn. Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao… sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2018. Khi kinh tế 2019 đã định hình, thì điều quan trọng lúc này là nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm hoàn thành Kế hoạch 2018, tạo nền tảng cho việc thực hiện kế hoạch trong năm tiếp theo.