Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VIB
Sử dụng phương pháp Thu nhập thặng dư (Residual Income) và phương pháp so sánh sử dụng P/B để xác định giá mục tiêu của VIB. Giá mục tiêu của VIB là 29.604 đồng/cổ phiếu. Do giá mục tiêu của VIB đang cao hơn giá đóng cửa ngày 28/02/2023 là 34%, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VIB.
Trong tuần vừa qua thị trường đã chứng kiến nhóm cổ phiếu vua rung lắc và đảo chiều điều chỉnh giảm sau đợt tăng khá tốt trước đó, trong đó cổ phiếu VIB cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Tổng cộng cả tuần, với 1 phiên tăng nhẹ, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu VIB giảm nhẹ 100 đồng (-0,45%) từ mức 22.000 đồng/CP xuống 21.900 đồng/CP.
* BVSC và KBSV cùng khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NLG
BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long cho giá mục tiêu là 46.334 đồng/CP và thời gian nắm giữ 3-6 tháng.
Bên cạnh đó, KBSV duy trì đánh giá tích cực đối với cổ phiếu Nam Long nhờ (1) Nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn và (2) Các dự án căn hộ trung cấp/vừa túi tiền vẫn thu hút được người mua có nhu cầu ở thực. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 44.500 đồng/CP, cao hơn 16% so với giá đóng cửa ngày 28/02/2024.
Không nằm ngoài nhận định của BVSC và KBSV, cổ phiếu NLG đã khởi sắc trở lại và kết thúc tuần tại mức giá cao nhất trong hơn 6 tháng, với điểm nhấn là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 với thanh khoản bùng nổ, lên tới hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh. Tổng cộng cả tuần, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá cổ phiếu NLG tăng 2.200 đồng (+5,84%) từ mức 37.700 đồng/CP lên 39.900 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 110.060 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 16x dựa trên triển vọng tích cực của sức mua ngành trang sức hồi phục và tăng trưởng cửa hàng offline.
Báo cáo kinh doanh tháng 1/2024 không mấy khả quan nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và PNJ được “hâm nóng” bởi thông tin chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% vào ngày 18/3, đã giúp cổ phiếu này có tuần giao dịch khởi sắc. Đặc biệt, cổ phiếu PNJ đã có phiên chào tháng 3 đầy ấn tượng cùng cả nhóm cổ phiếu bán lẻ. Tổng cộng cả tuần, với 5 phiên tăng liên tiếp, giá cổ phiếu PNJ tăng 7.900 đồng (+9%) từ mức 87.800 đồng/CP lên 95.700 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của MWG sẽ phục hồi tích cực trong năm 2024 nhờ: (1) Mảng ICT phục hồi mạnh trên mức nền thấp cùng kỳ; (2) Kỳ vọng chuỗi BHX có lãi trong năm 2024; (3) Các chuỗi khác như Avakids, An Khang tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động và đặc biệt chuỗi Erablue thâm nhập thành công thị trường tiềm năng Indonesia. Chúng tôi đánh giá tích cực đối với cổ phiếu MWG và khuyến nghị mua với giá mục tiêu 55.000 đồng/CP (upside 19,3% so với mức giá hiện tại).
Cũng như PNJ, cổ phiếu MWG cùng trong xu hướng khởi sắc chung của nhóm cổ phiếu bán lẻ khi tuần qua đón nhận cả 5 phiên giao dịch khởi sắc. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng 2.600 đồng (+5,91%) từ mức 44.000 đồng/CP lên 46.600 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVS
Chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-2025 tăng 31,8-19,3% so với cùng kỳ do kỳ vọng một số dự án khâu thượng nguồn dầu khí được triển khai và tạo cơ hội cho PVS. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 47.000 đồng/CP (tăng 28,8% so với giá đóng cửa ngày 27/2/2024).
Mặc dù nhóm cổ phiếu dầu khí tuần qua đã xuất hiện những tia hy vọng, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 28/2, nhưng còn khá mong manh. Trong đó, cổ phiếu PVS ghi nhận 4 phiên tăng nhưng đều trong biên độ hẹp và 1 phiên giảm. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 900 đồng (+2,5%) từ mức 26.000 đồng/CP lên 36.900 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua với cổ phiếu POW giá mục tiêu cho năm 2024 là 14.000 đồng/CP (upside 22% so với giá đóng cửa ngày 23/02/2024) với phương pháp DCF, đã bao gồm dự án Nhơn Trạch 3 vận hành 11/2024 và Nhơn Trạch 4 là 5/2025. Trong đó, NT3 và 4 đóng góp 16% vào upside của cổ phiếu.
Cổ phiếu POW cũng có tuần đảo chiều khởi sắc sau khi điều chỉnh giảm trong tuần trước, nhưng mức tăng còn khá hạn chế. Tổng cộng cả tuần, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 29/2, giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 250 đồng (+2,17%) từ mức 11.500 đồng/CP lên 11.750 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM
Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị mua đối với CTCP Vinhomes (VHM – sàn HOSE) và duy trì giá mục tiêu ở mức 56.400 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi tin rằng VHM có vị thế thuận lợi để tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản nhà ở tại Việt Nam trong dài hạn nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, quỹ đất lớn và thành tích đã được chứng minh trong việc phát triển dự án quy mô lớn. VHM có định giá hấp dẫn với P/B dự phóng năm 2024/25 lần lượt đạt 0,9x/0,8x.
Sau tuần biến động mạnh trước đó, cổ phiếu nhà Vingroup nói chung và VHM nói riêng đều đã tìm lại được diễn biến khởi sắc trong tuần cuối tháng 2 – đầu tháng 3. Trong đó, cổ phiếu VHM đã đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 29/2, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VHM tăng nhẹ 650 đồng (+1,5%) từ mức 43.300 đồng/CP lên 43.950 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TNG
So với báo cáo trước đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với TNG với giá mục tiêu 26.200 đồng/CP (tăng 2% so với giá mục tiêu cũ, tăng 22% so với giá ngày 27/2/2024) dựa trên: (1) Duy trì mức P/E mục tiêu = 9 lần trong báo cáo trước đó dựa trên (i) kỳ vọng tăng trưởng giai đoạn 2023 – 2025 đạt 27% CAGR mạnh hơn so với chu kỳ tăng trưởng trước đó 2020 – 2022 đạt 22% CAGR (trung bình giai đoạn 8.5 lần P/E) (ii) triển vọng phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp cùng ngành nhờ duy trì được quy mô doanh thu không bị giảm sút trong giai đoạn khó khăn của ngành may (iii) thu hút thêm lượng đơn từ cả khách hàng mới và cũ nhờ đáp ứng yếu tố về ESG. (2) Mức thay đổi 2% giá mục tiêu chủ yếu do mức tăng tương ứng trong dự phóng lợi nhuận 2024 của BSC.
Cổ phiếu TNG đã có tuần test đỉnh của năm bởi những phiên rung lắc quanh vùng giá này. Tổng cộng cả tuần, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu TNG tăng 800 đồng (+3,88%) từ mức 20.600 đồng/CP lên 21.400 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG
Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/B để đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) trong năm 2024 là 37.000 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 22% so với giá đóng cửa ngày 27/2/2024, tăng 16% so với giá mục tiêu cũ). Đồng thời khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu này.
Bên cạnh lực cầu nội sôi động, nhà đầu tư nước ngoài cũng có những phiên mua ròng mạnh mẽ cổ phiếu quốc dân, đã giúp HPG có tuần giao dịch đầy ấn tượng cả về giá và thanh khoản, với điểm nhấn là phiên bùng nổ ngày 27/2. Tổng cộng cả tuần, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ duy nhất ngày cuối tuần 1/3, giá cổ phiếu HPG tăng 2.450 đồng (+8,63%) từ mức 28.400 đồng/CP lên 30.850 đồng/CP. Đây cũng là tuần xác lập mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua của cổ phiếu HPG.
* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HSG
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan dành cho HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen với giá mục tiêu 1 năm là 25.000 đồng/cổ phiếu dựa trên PE và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 15,5x và 8,0x.
Mặc dù không bứt phá như HPG, nhưng cổ phiếu thép khác là HSG cũng xác nhận tuần giao dịch khởi sắc. Tổng cộng cả tuần, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 29/2, giá cổ phiếu HSG tăng 900 đồng (+4,06%) từ mức 22.150 đồng/CP lên 23.050 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu QNS
Với dự báo lợi nhuận 2024 tiếp tục ở mức cao lịch sử, cổ phiếu CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) chỉ đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 6,3 lần, thấp hơn 30% so với P/E bình quân kể từ 2019 đến nay. Ngoài ra, suất cổ tức ở mức 6,3% cũng khá tốt và tỷ lệ cổ tức tiền mặt năm nay có thể sẽ được nới tăng thêm khi doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao trong khi chưa có kế hoạch đầu tư lớn. Trên cơ sở đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với giá hợp lý 60.000 đồng/cp, tương ứng với P/E mục tiêu 8 lần.
Một trong những thông tin đáng chú ý với QNS chính là việc Tổng giám đốc Công ty miệt mài đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu tới hơn 20 lần trong 2 năm vừa qua, nhưng kết quả chưa bao giờ mua hết 100% lượng đăng ký, thậm chí nhiều lần không mua cổ phiếu nào với tỷ lệ mua trung bình chỉ đạt khoảng 24% tổng lượng đăng ký. Về diễn biến cổ phiếu QNS tuần qua biến động nhẹ quanh mức giá cao nhất của nửa năm. Tổng cộng cả tuần, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu QNS tăng nhẹ 700 đồng (+1,46%) từ mức 48.000 đồng/CP lên 48.700 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ACG
Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh của CTCP Gỗ An Cường (mã ACG) sẽ khởi sắc trong 2024 do (i) hoạt động kinh doanh trong nước và xuất khẩu đều phục hồi; và (ii) giảm chi phí mở rộng chuỗi phân phối. BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với ACG tại thời điểm hiện tại với mức giá hợp lý là 43.595 đồng/CP, chênh lệch 15% so với giá đóng cửa ngày 23/02/2024.
Mặc dù giao dịch vẫn cầm chừng vài chục nghìn đơn vị, nhưng không nằm ngoài nhận định của BVSC, cổ phiếu ACG đã có tuần giao dịch khởi sắc. Tổng cộng cả tuần, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất vào ngày 29/2, giá cổ phiếu ACG tăng 3.300 đồng (+8,68%) từ mức 38.000 đồng/CP lên 41.300 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT
So với báo cáo trước đó, BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT, đồng thời nâng giá mục tiêu lên mức 120.000 đồng/CP (+16% so với giá tham chiếu ngày 21/02/2024, +10% so với giá khuyến nghị cũ) dựa trên phương pháp DCF và P/E mục tiêu (tỷ trọng cân bằng) thay vì chỉ sử dụng phương pháp P/E mục tiêu như trong báo cáo trước đó.
Một trong những mã bluechip ấn tượng trong thời gian gần đây không thể không kể đến FPT. Cổ phiếu FPT liên tục phá kỷ lục đỉnh mới và tuần qua tiếp tục đem lại niềm vui cho các cổ đông. Tổng cộng cả tuần, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 27/2, giá cổ phiếu FPT tăng 6.900 đồng (+6,64%) từ mức 103.900 đồng/CP lên 110.800 đồng/CP và nếu tính từ đầu năm thì giá cổ phiếu này đã tăng tới hơn 66%.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR
BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PHR với giá trị hợp lý cho năm 2024 là 64.800 đồng/CP (Upside 23% so với giá đóng cửa ngày 23/02/2024, đã bao gồm lợi suất cổ tức 5%), dựa trên phương pháp định giá từng phần SOTP.
Cổ phiếu PHR tiếp tục xác lập mức giá cao nhất trong tuần qua bởi những phiên tăng nhẹ. Tổng cộng cả tuần, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 29/2, giá cổ phiếu PHR tăng 1.300 đồng (+2,26%) từ mức 55.100 đồng/CP lên 56.400 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu IDC
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Tổng Công ty IDICO (IDC – sàn HNX) và tăng giá mục tiêu thêm 10% lên 64.000 đồng/CP. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do cập nhật dự án KCN Vinh Quang (Hải Phòng) vào định giá và dự phóng của chúng tôi, khi công ty gần đây đã cho biết KCN này đã hoàn thành quy hoạch 1/2000 và dự kiến sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025.
Cổ phiếu IDC có chút chững lại về cuối tuần khi giá cổ phiếu đang ở vùng đỉnh của hơn 1 năm. Tổng cộng cả tuần, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu IDC tăng 2.500 đồng (+4,43%) từ mức 56.400 đồng/CP lên 58.900 đồng/CP. Tuy nhiên nếu tính trong khoảng 1 năm qua, từ ngày 1/12/2022, giá cổ phiếu IDC đã tăng tới hơn 110%.