Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chung có những phiên biến động mạnh, hầu hết các cổ phiếu được khuyến nghị đều điều chỉnh nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HDG và NLG

Chúng tôi giảm 3,5% tổng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028, chủ yếu do trì hoãn 1 năm việc vận hành dự án cho thuê văn phòng CC3 và lợi nhuận thấp hơn từ Đắk Mi 2. Chúng tôi giảm 2,3% giá mục tiêu cho CTCP Hà Đô (HDG – sàn HOSE) nhưng vẫn duy trì khuyến nghị khả quan.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có tuần giao dịch “không thuận lợi”, trong đó cổ phiếu HDG không nằm ngoài xu hướng chung, đặc biệt là pha giảm khá sâu cùng thị trường chung trong ngày giao dịch cuối tuần 23/2. Tổng cộng tuần qua, với 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu HDG giảm 1.150 đồng (-4,25%) từ mức 27.050 đồng/CP xuống 25.900 đồng/CP.

Tương tự, NLG cũng có phiên giảm khá sâu ngày 23/2. Tổng cộng cả tuần, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu NLG giảm 1.600 đồng (-4,07%) từ mức 39.300 đồng/CP xuống 37.700 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu LCG

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu LCG với giá trị hợp lý năm 2024 là 16.000 đồng/CP (Upside 22% so với giá tham chiếu ngày 20/02/2024), theo phương pháp định giá từng phần với P/E mục tiêu cho mảng Xây lắp = 10x, và giá trị sổ sách cho các dự án BOT, Điện và Bất động sản.

Không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm ngành, cổ phiếu LCG cũng có tuần giao dịch không mấy khả quan. Tổng cộng tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu LCG giảm nhẹ 350 đồng (-2,65%) từ mức 13.200 đồng/CP xuống 12.850 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) và giữ vững quan điểm lạc quan về triển vọng tăng trưởng dài hạn cho các mảng kinh doanh cốt lõi của FPT bao gồm: Công nghệ thông tin toàn cầu, Giáo dục và Dịch vụ Viễn thông.

Dù đảo chiều điều chỉnh nhẹ, nhưng cổ phiếu FPT vẫn có những điểm sáng đáng chú ý trong tuần qua, như phiên 21/2 xác lập mức giá cao kỷ lục mới; trong phiên điều chỉnh giảm ngày cuối tuần 23/2 có mức thanh khoản ấn tượng hơn 4,1 triệu đơn vị. Điều này cho thấy cổ phiếu FPT đang tích lũy và nhà đầu tư đang kỳ vọng diễn biến cổ phiếu này sẽ sớm khởi sắc, tiếp tục vượt đỉnh. Thống kê tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu FPT giảm 1.200 đồng (-1,14%) từ mức 150.100 đồng/CP xuống 103.900 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DGW

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Neutral đối với DGW với rủi ro về sức mua phục hồi chậm, về tỷ giá, về lãi suất, về cạnh tranh, rủi ro hàng tồn kho, rủi ro chính sách.

Thông tin Digiworld thâu tóm 73% vốn chuỗi cầm đồ Vietmoney và sắp “nhảy vào” mảng bán laptop, iPhone cũ không mấy tác động tới diễn biến cổ phiếu DGW. Cổ phiếu DGW đã đảo chiều giảm sau tuần khởi sắc trước đó. Tổng cộng tuần qua, với 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu DGW giảm 2.600 đồng (-4,55%) từ mức 57.100 đồng/CP xuống 54.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với TCB và nâng giá mục tiêu 12 tháng lên 44.800 đồng/CP, tăng 25,8% so với dự báo gần nhất với việc điều chỉnh mức P/B mục tiêu lên 1.1x (báo cáo gần nhất 1.0x).

Sau tháng 1 ghi nhận mức tăng ấn tượng nhất thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục khởi sắc trong tháng 2. Đáng chú ý trong tuần vừa qua chính là phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/2 khi dòng bank đã “lái” thị trường qua các cung bậc cảm xúc từ tột cùng hạnh phúc đến bàng hoàng hụt hẫng, đã khiến VN-Index mất tới gần 30 điểm chỉ trong khoảng 1 giờ giao dịch cuối phiên, đẩy chỉ số này về mức giá thấp nhất sát ngưỡng 1.210 điểm.

Tuy vậy, tính chung cả tuần thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực giúp thị trường có được đà tăng nhẹ, trong đó TCB có đóng góp tích cực. Cụ thể, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 23/2, tổng cộng tuần qua giá cổ phiếu TCB tăng 1.600 đồng (+4,16%) từ mức 38.500 đồng/CP lên 40.100 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu STB

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng nhờ: (1) STB có tỷ lệ trích lập dự phòng cao sẽ có nhiều dư địa mở rộng lợi nhuận khi thu hồi các khoản nợ xấu sau khi hoàn tất Đề án tái cơ cấu năm 2024, từ đó gia tăng nguồn vốn và mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn cho ngân hàng; (2) tăng trưởng tín dụng cao và kết quả từ tái cấu trúc; (3) Mặt bằng định giá hấp dẫn tại mức P/B 1,2x lần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu STB với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP (upside 17%).

Nhưng không phải tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều khởi sắc, trong đó STB là một trong những mã mất điểm nhẹ của ngành. Tổng cộng tuần qua, với 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu STB giảm nhẹ 150 đồng (-0,49%) từ mức 30.800 đồng/CP xuống 30.650 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB

Dự báo của chúng tôi dựa trên cơ sở: (1) tăng trưởng tín dụng đạt 16% trong năm 2024 và 15% trong 2025; (2) NIM sẽ được duy trì quanh mức 4,0-4,1%, tương đương cao hơn so với 2023 và thấp hơn mức đỉnh 2022. Chúng tôi cho rằng mặc dù môi trường lãi suất thấp được duy trì nhưng lãi suất cho vay cũng sẽ giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng tôi khuyến nghị mua đối với ACB và nâng giá mục tiêu 12 tháng lên 31.600 đồng/CP (tăng 9% so với dự báo gần nhất), tiềm năng tăng giá 14,7%, tỷ suất cổ tức 3,6%.

Cũng như STB, cổ phiếu ACB đã rung lắc và điều chỉnh nhẹ sau khi xác lập mức giá cao kỷ lục 28.000 đồng/CP. Tổng cộng tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu ACB giảm nhẹ 300 đồng (-1,09%) từ mức 27.600 đồng/CP xuống 27.300 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SCS

Với giả định hàng hóa quốc tế tăng 45% so với cùng kỳ và hàng hóa nội địa tăng 8% năm 2024, chúng tôi nâng khuyến nghị với cổ phiếu SCS lên khả quan dựa trên giá mục tiêu mới và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ từ hợp đồng mới.

Mặc dù không tránh khỏi “cơn bão” ngày cuối tuần 23/2, nhưng cổ phiếu SCS vẫn tiếp tục có thêm tuần tăng điểm. Đặc biệt trong tuần qua, cổ phiếu SCS đã xác lập mức giá cao nhất trong hơn 1 năm tại mức giá 75.000 đồng/CP khi đóng cửa phiên 21/2. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu SCS tăng 1.800 đồng (+2,5%) từ mức 72.000 đồng/CP lên 73.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu DRC

BSC khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRC và nâng giá mục tiêu 2024F lên 32.800 đồng/CP (Upside 5% so với giá đóng cửa ngày 19/02/2023, bao gồm 2% tỷ suất cổ tức), dựa trên phương pháp định giá EV/EBITDA với tỷ lệ mục tiêu là 6.x tương đương mức trung bình 2016 – 2022.

Tuần qua, cổ phiếu DRC đã có phiên đột biến ngày 21/2 khi xác lập mức giá cao kỷ lục mới sát ngưỡng 33.000 đồng/CP, với thanh khoản tăng vọt đạt xấp xỉ 2,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, những phiên điều chỉnh giảm sau đó đã đẩy cổ phiếu DRC về vạch xuất phát của tuần. Cụ thể, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần giá cổ phiếu DRC không có biến động và giữ nguyên ở mức giá 32.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cổ phiếu PVS và POW; MBS và VCSC cùng khuyến nghị mua cổ phiếu PVD

VCSC điều chỉnh giảm 3% giá mục tiêu xuống 42.600 đồng/CP và hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan cho PVS. Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu do chúng tôi giảm 3% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 (thay đổi tương ứng -11%/+2%/-3% cho các năm 2024/2025/2026F).

Đồng thời, VCSC điều chỉnh giảm 3% giá mục tiêu cho POW xuống 12.600 đồng/CP và duy trì khuyến nghị khả quan.

Trong khi đó, MBS sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/B để đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu PVD trong năm 2024 là 35.000 đồng/CP và khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này. Còn VCSC điều chỉnh tăng 10% giá mục tiêu đối với PVD và nâng khuyến nghị từ khả quan thành mua.

Trái với nhận định khả quan từ các công ty chứng khoán, cả 3 mã thuộc nhóm dầu khí là PVS, PVD và POW đều có tuần điều chỉnh giảm.

Trong đó, cổ phiếu PVS đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần giảm 1.200 đồng (-3,23%) từ mức 37.200 đồng/CP xuống 36.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiếu PVD đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu này giảm nhẹ 150 đồng (-0,53%) từ mức 28.500 đồng/CP xuống 28.350 đồng/CP.

Mặc dù cổ phiếu POW đã có phiên đột biến ngày đầu tuần 19/2 với thanh khoản bùng nổ lên tới hơn 22,5 triệu đơn vị, giúp giá cổ phiếu tăng vọt gần 4,4%, tuy nhiên “phong độ” không ổn định bởi những phiên đảo chiều điều chỉnh giảm sau đó, đã khiến mã này trở lại vạch xuất phát. Cụ thể, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, giá cổ phiếu POW tuần qua giữ nguyên tại mức giá 11.500 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát và nâng giá mục tiêu 1 năm lên 31.200 đồng/cổ phiếu (từ 30.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên dự báo năm 2024F với hệ số P/E mục tiêu và EV/EBITDA tương ứng là 16x và 9x (lần lượt từ 15,5x và 8x).

Mặc dù chịu áp lực xả bán từ nhà đầu tư ngoại mạnh mẽ nhưng cổ phiếu “quốc dân” chỉ điều chỉnh nhẹ trong tuần vừa qua. Cụ thể, với 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu HPG tuần qua giảm nhẹ 200 đồng (-0,7%) từ mức 28.600 đồng/CP xuống 28.400 đồng/CP.

Tin bài liên quan