* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu DGW
Chúng tôi điều chỉnh doanh thu và lợi nhuận dự phóng cho năm 2018 của Digiworld đạt tương ứng 5.656 tỷ đồng và 106 tỷ đồng, do mảng kinh doanh điện thoại di động tăng mạnh hơn so với kỳ vọng. Đồng thời, duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số với giá mục tiêu 29.900 đồng.
Mới đây, DGW đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 với lợi nhuận khá cao hơn 36,6 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước và cũng là quý cao nhất kể từ quý I/2015. Dù báo lãi cao dùng dự phóng kể quả kinh doanh cả năm khá tốt nhưng diễn biến cổ phiếu DGW đi ngược nhận định của MBS.
Thống kê với 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần 22/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW giảm 1.700 đồng/Cp (-6,7%) từ mức 25.400 đồng/Cp xuống 23.700 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 29.900 đồng/Cp, giá hiện tại của DGW còn thấp hơn 20,74%.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu NT2
Chúng tôi dự phóng P/E và EV/EBITDA 2019 hấp dẫn đạt lần lượt 8,1 và 4,8 lần, thấp hơn 49,3% và 58,4% so với các công ty cùng ngành trong khu vực, trong khi NT2 vượt trội các công ty cùng ngành trên mọi chỉ số. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho NT2, nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 7,4% do WACC cao hơn, cũng như giảm dự báo lợi nhuận cốt lõi năm 2018 do tăng giả định giá khí.
Cũng như phần lớn các cổ phiếu trên thị trường, dù báo cáo tài chính quý III/2018 khả quan, cùng sự phân tích, nhận định tích cực từ công ty chứng khoán, nhưng cổ phiếu NT2 tiếp tục đón nhận tuần giao dịch thiếu khởi sắc. Thống kê với 1 phiên tăng duy nhất ngày 25/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 giảm 800 đồng/Cp (-3,21%) từ mức 24.900 đồng/Cp xuống 24.100 đồng/Cp.
* VCSC và MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ
VCSC giữ khuyến nghị MUA dành cho PNJ vì vị thế thống lĩnh thị trường trang sức vàng cho phép công ty khai thác tốt tầng lớp trung lưu-khá giả hiện đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam.
Tương tự, MBS cũng đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 137.000 đồng/cổ phiếu, tăng 38% so với mức giá 99.000 đồng ngày 23/10/2018. Với triển vọng khả quan từ thị trường bán lẻ trong nước cùng với vị thế là nhà bán lẻ trang sức hàng đầu chúng tôi cho rằng PNJ xứng đáng là cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Sau khi công bố lợi nhuận sau thuế quý III/2018 đạt 177,7 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước, PNJ đã thông qua HĐQT việc phát hành cổ phiếu ESOP. Tuy nhiên, những thông tin tích cực đó cũng không khiến cổ phiếu PNJ có được sắc xanh.
Thống kê với 5 phiên giảm liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 11.600 đồng/Cp (-11,13%) từ mức 104.200 đồng/Cp xuống 92.600 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 137.000 đồng/CP, giá hiện tại của PNJ còn thấp hơn 32,4%.
* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu DBC
Khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu DBC, với giá trị hợp lý là 34.300VND/CP, tương đương mức lợi nhuận 25,6%. Mức giá này tương ứng với mức P/E mục tiêu 1 năm khoảng 8x. Rủi ro giá nguyên vật liệu nông sản, tỷ giá, lãi suất và đặc biệt là các diễn biến dịch bệnh gia súc gia cầm là những rủi ro chính đối với hoạt động kinh doanh của DBC.
Cũng là một trong những nhân tố tô điểm thêm vẻ đẹp cho sàn niêm yết khi nằm trong danh sách doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch cả năm sau 9 tháng, nhưng DBC cũng không thoát khỏi diễn biến chung của thị trường. Thống kê với 1 phiên tăng ngày 24/10, 1 phiên đứng giá vào đầu tuần 22/10 và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC giảm 1.100 đồng/Cp (-3,93%) từ mức 28.000 đồng/Cp xuống 26.900 đồng/Cp.
* KBSV và MB khuyến nghị mua vào cổ phiếu FPT
KBSV đánh giá rủi ro hoạt động của FPT trong 3-5 năm tới là khá thấp do dư địa tăng trưởng các mảng kinh doanh chính còn lớn. Trong dài hạn, rủi ro xuất phát từ cạnh tranh khốc liệt trong ngành viễn thông, đặc biệt ở mảng thuê bao Internet và Pay TV. Ở mảng công nghệ, việc nâng cao trình độ chuyên môn nhân sự cùng định hướng phát triển của ban lãnh đạo sang các lĩnh vực mang nhiều giá trị gia tăng hơn sẽ ảnh hưởng then chốt đến khả năng tăng trưởng trong dài hạn.
Trong khi đó, MBS duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu 55.600 đồng/cổ phiếu.
Trái với khuyến nghị của KBSV và MBS, tuần qua, cổ phiếu FPT giao dịch thiếu tích cực khi đón nhận duy nhất 1 phiên tăng nhẹ vào đầu tuần ngày 22/10 và có tới 4 phiên giảm liên tiếp sau đó. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 2.200 đồng/Cp (-5,12%) từ mức 43.000 đồng/Cp xuống 40.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 55.600 đồng/CP, giá hiện tại của FPT còn thấp hơn 26,62%.
* VCSC khuyến nghị mua POW, khuyến nghị phù hợp thị trường đối với GAS và PVS
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho POW với giá mục tiêu 19.600VND/cổ phiếu và dự báo tổng mức sinh lời đạt 40,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,1%.
Đồng thời, đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho GAS và PVS với giá mục tiêu lần lượt 109.400VND/cổ phiếu với tổng mức sinh lời dự báo đạt 1,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,6% và 21.500 VND/cổ phiếu và tổng mức sinh lời dự báo đạt 6,2% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%). .
Thị trường vừa đón nhận một tuần giao dịch khá tiêu cực khi các chỉ số liên tiếp giảm khá sâu và nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính, trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không ngoại trừ.
Trong cả 3 mã họ dầu khí được VCSC đưa ra khuyến nghị đều mất giá. Cụ thể, thống kê với 3 phiên đứng giá và 2 phiên giảm sâu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS giảm 10.200 đồng/Cp (-9,11%) từ mức 112.000 đồng/Cp xuống 101.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 109.400 đồng/CP, giá hiện tại của GAS còn thấp hơn 6,95%.
Trong khi đó, cổ phiếu PVS đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu này giảm 2.000 đồng/Cp (-9,62%) từ mức 20.800 đồng/Cp xuống 18.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 21.500 đồng/CP, giá hiện tại của PVS còn thấp hơn 12,56%.
Còn POW đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng vào cuối tuần 26/10 và 1 phiên đứng giá vào đầu tuần 22/10, tính chung cả tuần, cổ phiếu này giảm 400 đồng/Cp (-2,82%) từ mức 14.200 đồng/Cp xuống 13.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 19.600 đồng/CP, giá hiện tại của PVS còn thấp hơn 29,59%.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu VJC
Chúng tôi cho rằng mức chênh lệch này là hợp lý hơn, và vẫn duy trì khả quan về triển vọng nền tảng cơ bản của VJC. Chúng tôi hiện đang dự phóng tăng trưởng EPS cốt lõi 2018 đạt 20,0% và 50,6% cho năm 2019, nhờ gia tăng các chuyến bay quốc tế và hiệu quả vận hành vượt trội.
Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu VJC đã có một tuần giao dịch khá tiêu cực khi giảm liền 5 phiên liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC giảm 7.200 đồng/Cp (-5,45%) từ mức 132.000 đồng/Cp xuống 124.800 đồng/Cp.
* BVSC khuyến nghị tích cực đối với LHG
Theo kết quả định giá, trên cơ sở thận trọng, giá trị hợp lý của cổ phiếu LHG đang cao hơn 52% giá thị trường hiện tại. Chính sách cổ tức của LHG được duy trì ổn định với mức trung bình 15% tiền mặt, tương đương suất cổ tức 6,7%. Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với Long Hậu với thời gian đầu tư trong 12 tháng.
Long Hậu (LHG) cũng là một cái tên đáng chú ý với việc báo lãi 9 tháng đầu năm 2018 trên 135 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chính thức hoàn thành vượt 6% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LHG đã có tuần giảm khá sâu. Thống kê với 1 phiên tăng duy nhất ngày 23/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LHG giảm 3.600 đồng/Cp (-19,15%) từ mức 22.400 đồng/Cp xuống 18.800 đồng/Cp.