Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng 16,5%
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, thị trường hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 có mức tăng trưởng khả quan, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 10,43% của cùng kỳ. Dự báo, xuất khẩu dệt may trong nửa cuối năm đạt kim ngạch 18,5 tỷ USD, lũy kế cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may đều có sự tăng trưởng về kim ngạch trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất, tăng 11,5%, EU tăng 12,2%, Nhật Bản tăng 23,9%, Hàn Quốc tăng 25,4%...
STK: Lợi nhuận sau thuế tăng 71%
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) tiêu thụ được 13.786 tấn trong quý II/2018, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán tăng hơn 20% nhờ thị trường chung tốt lên và đặc biệt là sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm theo hướng gia tăng tỷ trọng của hàng cao cấp. Vì vậy, doanh thu thuần của Công ty tăng 28,3%, đạt gần 603 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, tăng 82% so với quý II/2017. Trong kỳ, Công ty có thêm 21 khách hàng mới, chủ yếu đến từ thị trường nội địa, Hàn Quốc, Đài Loan, Pakistan…
Lũy kế 6 tháng đầu năm, STK đạt hơn 1.179 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế 83,3 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ Công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, giá bán nâng cao, nên biên lãi gộp được cải thiện từ mức 11% năm 2017 lên 14% trong nửa đầu năm 2018.
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược và Phát triển STK cho hay, nhu cầu thị trường về sợi recycled trong quý II/2108 tăng rõ rệt so với quý I/2018. Ngoài những đơn hàng sợi recycled phục vụ may mặc của các thương hiệu thời trang nổi tiếng (Nike, Adidas, Uniqlo…) thì nhu cầu sử dụng sợi recycled cho sản phẩm giày đang tăng. Trong quý II/2018, doanh số bán sợi recycled của Công ty đạt 1.055 tấn, doanh thu gần 60 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh số bán sợi recycled đạt 2.394 tấn và doanh thu đạt 129,4 tỷ đồng.
GMC: Lần đầu tiên vượt kế hoạch 6 tháng
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) chia sẻ, lần đầu tiên trong lịch sử, Công ty thực hiện vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2018, GMC đạt doanh thu xuất khẩu 870 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch cả năm và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các yếu tố hỗ trợ như thị trường tốt hơn, bản thân Công ty cũng đầu tư thiết bị kịp thời, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến…
Trước đó, nhằm đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng đang quan tâm đến dòng sản phẩm mới công nghệ dệt không đường may (seamless), GMC đã đầu tư 2 hệ thống seamless cho mùa xuân, hè.
Tính đến thời điểm hiện tại, GMC đã nhận được đơn hàng cho cả năm. Do đặc thù là đơn vị chuyên cung cấp hàng thể thao kỹ thuật cao cấp nên quý I hằng năm thường là thời gian thấp điểm của GMC. Tuy nhiên, năm 2018, nhu cầu thị trường tăng cao cộng thêm thời tiết thuận lợi nên Công ty đã sớm chốt đủ đơn hàng.
TCM: Tỷ suất lợi nhuận đạt 18%
Là doanh nghiệp trong ngành dệt may niêm yết có chu trình sản xuất khép kín từ sợi đến may, Công ty cổ phần Dệt may Thương mại Đầu tư Thành Công (TCM) đạt kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 rất tốt. Ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị TCM cho biết, doanh thu thuần tháng 6/2018 đạt hơn 12,2 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt 18%. Kết thúc 6 tháng đầu năm, TCM ghi nhận khoảng 69,4 triệu USD doanh thu, gần 4,6 triệu USD lợi nhuận sau thuế.
Được biết, năm 2018, TCM đặt kế hoạch đạt 3.166 tỷ đồng doanh thu (khoảng 137,6 triệu USD), 189,45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (khoảng 8,2 triệu USD).
TDT: Tự tin đạt kế hoạch năm 2018
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (TDT) có xuất phát điểm là đơn vị chuyên gia công CMT (cắt may), đến nay đã dịch chuyển dần và gia tăng tỷ trọng hàng FOB (chủ động nguyên liệu đầu vào) trong tổng doanh thu. Hiện TDT đã có một lượng đơn hàng ổn định với nhiều khách hàng lớn như GAP, Li&Fung, Cosco Wholesale... Riêng đơn hàng của khách hàng GAP chiếm 55% tổng khối lượng sản xuất của Công ty.
Ông Chu Thuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị TDT cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của TDT đạt gần 108 tỷ đồng, tăng hơn 15% và lợi nhuận đạt 5,5 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả này có được nhờ năng suất lao động tại nhà máy TDT tăng 40%, lợi nhuận mảng FOB tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.
So với kế hoạch lãi 20 tỷ đồng trong năm nay, TDT mới thực hiện được 27,5%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TDT, “mùa” xuất khẩu của TDT là quý III và IV. Trong khi đó, giá trị các đơn hàng mà Công ty đã ký hiện trị giá 6,51 triệu USD, dự kiến sẽ ký thêm khoảng 8,5 triệu USD với các đối tác. Do đó, TDT tự tin có thể đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2018.