Các nhà lãnh đạo G7 kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Hội nghị thượng đỉnh Biarritz. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo G7 kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Hội nghị thượng đỉnh Biarritz. Ảnh: AP

Điểm nhấn ngày làm việc thứ hai Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp

(ĐTCK) Sự xuất hiện bất ngờ của Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tại Biarritz và các cuộc hội đàm với lãnh đạo Pháp về vấn đề hạt nhân đã trở thành tâm điểm trong ngày thứ hai của hội nghị G7.

Sự xuất hiện gây tranh cãi của Iran

Các cuộc tham vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Iran tại Biarritz kéo dài tổng cộng 3,5 giờ. Trong số đó, Zarif đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong nửa giờ và phần còn lại là với một nhóm các nhà đàm phán Pháp do Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian dẫn đầu.

Đại diện nước chủ nhà bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được từ cuộc đối thoại. "Các cuộc thảo luận với Zarif rất tích cực và sẽ được tiếp tục", Jean-Yves Le Drian thông báo .

Đồng thời, phía Pháp làm giải thích rõ, phía Mỹ đã được thông báo về lời mời gửi tới Bộ trưởng Ngoại giao Iran.

Bên lề diễn đàn, người ta đã nhớ lại rằng Tehran vào tháng 7 đã ngừng tuân thủ một số nghĩa vụ của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 và nối lại các lệnh trừng phạt Iran.

Các nước châu Âu do Paris dẫn đầu đang cố gắng thuyết phục Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc đổi mới các nghĩa vụ cho Tehran và mở các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo.

Washington vẫn chưa sẵn sàng giao phó cho Paris thay mặt G7 tiến hành các cuộc đàm phán với Iran. Sau một cuộc thảo luận với phe ủng hộ Iran vào tối thứ Bảy (24/8),Tổng thống Pháp Macron tuyên bố rằng, G7 quyết định sẽ “đồng lòng” trong vấn đề Iran.

Trả lời cho tuyên bố này, Tổng thống Mỹ Donald trump nói: “Tôi không thảo luận gì về vấn đề này”.

Thương chiến Mỹ - Trung: Con đường dài để “xuống thang”

Theo nguồn tin từ AFP, Tổng thống Trump tuyên bố, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng "xuống nước" trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bất chấp mọi lời kêu gọi của các thành viên khác trong G7, những người đang lo sợ những hậu quả nghiêm trọng sẽ ập đến cho nền kinh tế toàn cầu.

AFP cho biết, ông Trump còn ủng hộ tân Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc đối đầu với châu Âu và cổ vũ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

"Ông ấy chính là người nước Anh cần để giải quyết công việc", Tổng thống Mỹ nói về người đồng cấp đến từ Anh bên lề diễn đàn.

Muốn tránh sự thất bại như đã xảy ra trong Hội nghị thượng đỉnh Canada năm 2018, khi ông Trump xóa chữ ký của mình trong thông cáo cuối cùng, Tổng thống Pháp, người chủ trì G7 năm nay, thông báo rằng sẽ không có thông cáo chung nào cả. Đồng thời, Pháp muốn tránh biến G7 thành G6+1 (Mỹ và các nước còn lại) cũng như tích cực tìm cách đưa người đứng đầu Nhà Trắng trở lại bàn đàm phán quốc tế.

Giới phân tích nhận định, cho đến nay, chiến lược này vẫn chưa thành công, nhưng ông Macron đang rất cố gắng thuyết phục ông Trump về chính sách đa phương và cơ hội vẫn còn rộng mở.

Tin bài liên quan