Lớn, nhỏ đều sút giảm
Mới đây, VietinBank, ngân hàng đang trong “nghi án” sáp nhập với PG Bank đã trình cổ đông kế hoạch năm 2014 để trình đại hội đồng cổ đông. Theo đó, điều đáng chú ý là chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của VietinBank năm 2014 chỉ đạt 7.280 tỷ đồng, giảm 6,1% so với thực hiện năm 2013, dù các chỉ tiêu khác đều tăng.
Một ngân hàng lớn khác đang úp mở về kế hoạch sáp nhập là Vietcombank cũng đưa ra mức lợi nhuận khiêm tốn cho năm 2014. Theo đó, mức lợi nhuận trước thuế mà HĐQT Vietcombank đưa ra lấy ý kiến cổ đông là 5.500 tỷ đồng, giảm 4,23% so với thực hiện năm 2013. Tỷ lệ cổ tức kế hoạch năm 2014 cũng giảm từ 12% xuống 10%.
Hai tâm điểm của thương vụ sáp nhập khác là Maritime Bank và MDB cũng đưa ra các chỉ tiêu rất khiêm tốn về lợi nhuận. Cụ thể, theo tài liệu mà Maritime Bank công bố, chuẩn bị trình đại hội đồng cổ đông, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này năm 2014 chỉ là 265 tỷ đồng. Mặc dù trong năm 2013, lợi nhuận của ngân hàng này đạt tới 401 tỷ đồng (tăng vọt so với mức 255 tỷ đồng năm 2012). Mức lợi nhuận trên cũng khá nhỏ bé, khi vốn điều lệ của Maritime Bank đang là 8.000 tỷ đồng (sẽ tăng lên 11.700 tỷ đồng nếu thương vụ sáp nhập với MDB thành công). Do lợi nhuận thấp, nên Maritime Bank cũng đưa ra chủ trương không chi trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2013, cũng như cả năm 2014.
Khả quan hơn, MDB sau khi đạt mức lợi nhuận “bết bát” năm 2013 (109,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 1/3 chỉ tiêu đề ra), đã nâng chỉ tiêu lợi nhuận lên 222 tỷ đồng trong năm nay. Song tỷ lệ chia cổ tức đặt ở mức thấp (3,5%).
Tương tự Maritime Bank và MDB, hai ngân hàng sáp nhập khác là Sacombank và SouthernBank dự kiến sẽ có nhiều biến động về lợi nhuận sau sáp nhập.
Tại Southerbank, lợi nhuận trước thuế năm 2013 chỉ là 18 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đề ra 560 tỷ đồng. Nợ xấu quá nhiều là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngân hàng này bị ăn mòn. Tuy nhiên, với kế hoạch sáp nhập vào Sacombank, Southerbank tự tin đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 đạt 360 tỷ đồng. Ngược lại, Sacombank đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 chỉ 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 160 tỷ đồng so với năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nguyên nhân khiến các ngân hàng dè dặt đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 là tình hình thị trường khó khăn, kinh tế chưa có dấu hiệu đột phá. Thêm vào đó, nợ xấu tiếp tục tăng, buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sút giảm là do sáp nhập, đồng nghĩa với việc bỏ ra một lượng lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu tăng lên hậu sáp nhập.
Cái giá của sáp nhập
Nhận xét về việc ngân hàng sáp nhập đồng loạt hạ chỉ tiêu lợi nhuận, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là điều đương nhiên, vì ngân hàng sau sáp nhập bao giờ cũng mất một thời gian để xử lý nợ xấu.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khi sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác, ngân hàng lớn sẽ có cơ hội mở rộng thêm quy mô, mạng lưới. Tuy nhiên, ngân hàng hậu sáp nhập bao giờ cũng mất một thời gian để xử lý nợ xấu và tăng trưởng trở lại. Theo đó, ít nhất trong vài ba năm, ngân hàng phải chấp nhận lợi nhuận thấp, tăng trưởng chậm.
Chính ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho rằng, mặc dù Sacombank đã lớn mạnh và có mạng lưới hoạt động rộng khắp, nhưng để lớn mạnh hơn, Sacombank phải sáp nhập thêm ngân hàng khác, cụ thể là Southern Bank. “Trong bất cứ việc sáp nhập nào cũng có những thuận lợi, bất lợi, nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết”, lãnh đạo Sacombank nói.
Đồng tình với ý kiến này, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng cho rằng, sáp nhập sẽ khiến lợi nhuận của Sacombank sụt giảm, song cũng giúp cho Sacombank có thêm nguồn lực vượt qua các ngân hàng khác trong khối ngân hàng tư nhân để trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về tín dụng, huy động và mạng lưới. Đây là những yếu tố chính giúp Sacombank thành công ở mảng ngân hàng bán lẻ đầy tiềm năng.
Tất nhiên, để làm được điều này, ngân hàng hậu sáp nhập phải xử lý tốt nợ xấu và tận dụng được lợi thế của cả hai bên.