Chệch choạc số liệu
Có khá nhiều nội dung liên quan đến hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án Cảng hàng không Phan Thiết) cần được UBND tỉnh Bình Thuận hiệu chỉnh, làm rõ nếu muốn được Hội đồng Thẩm định liên ngành thông qua.
Tại Công văn số 8616/BKHĐT - GSTĐĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND tỉnh Bình Thuận, cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành nhiều lần phải nhắc UBND tỉnh Bình Thuận đối với tính chính xác về số liệu và thông tin được đề cập Tờ trình số 2722/TTr - UBND ngày 25/7/2023 về việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết theo hình thức hợp đồng BOT.
Chệch choạc đầu tiên cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiệu chỉnh liên quan đến sự phù hợp khi áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu đối với Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hồ sơ dự án gửi kèm Văn bản số 1406/UBND - ĐTQH ngày 11/5/2022, UBND tỉnh Bình Thuận không đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu đối với Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết. Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sau giải trình lại đề xuất áp dụng cơ chế này.
Bên cạnh đó, các nội dung phân tích còn chung chung, chưa phân tích cụ thể về điều kiện, trường hợp áp dụng cơ chế; biện pháp phải thực hiện trước khi áp dụng, thời gian áp dụng cũng như khả năng cân đối nguồn vốn để bù đắp chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phần chênh lệch giữa doanh thu trong phương án tài chính với doanh thu thực tế trong trường hợp giảm doanh thu quy định tại khoản 2, Điều 82, Luật PPP.
Một thông tin chưa đảm bảo sự nhất quán khác liên quan đến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án PPP có sử dụng vốn Nhà nước. Cụ thể, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thuyết minh tỷ lệ nguồn vốn Nhà nước trong Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết (hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng) là 0,52%, với giá trị là 19,955 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Quyết định số 4236/QĐ - UBND ngày 29/12/2014 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, kinh phí giải phóng mặt bằng cho hạng mục hàng không dân dụng là 52,822 tỷ đồng.
“Đề nghị làm rõ nguồn của phần vốn Nhà nước tham gia Dự án, được sử dụng cho hạng mục nào trong Dự án, từ đó rà soát, chuẩn xác tỷ lệ nguồn vốn Nhà nước trong Dự án”, Công văn số 8616/BKHĐT - GSTĐĐT nêu rõ.
Cũng theo Công văn số 8616, tại phụ lục giải trình kèm Tờ trình số 2722, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết là, chỉ triển khai 1 giai đoạn đối với các hạng mục hàng không dân dụng với công suất 2 triệu lượt hành khách/năm.
Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, quy mô Dự án nói trên là chưa phù hợp với Quyết định số 648/QĐ - TTg ngày 7/6/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó công suất thiết kế Cảng hàng không Phan Thiết đến năm 2050 là 3 triệu lượt hành khách/năm.
Cấn cá khả năng huy động vốn
Được biết, các nội dung của Công văn số 8616 được ghi nhận từ góp ý của tất cả thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành, trong đó có nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến phương án tài chính - yếu tố quyết định đến khả năng triển khai thành công của Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án dự báo công suất của Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2030 khoảng 2 triệu lượt hành khách/năm (tương đương khoảng 800 hành khách/giờ cao điểm), trong đó áp dụng phương pháp tỷ lệ dự báo quốc gia (quy mô GRDP, quy mô dân số) kết hợp xét đoán chuyên gia.
Tuy nhiên, hồ sơ chưa bao gồm các số liệu dự báo, lưu lượng vận tải hàng khách, hàng hóa chi tiết cho từng năm làm cơ sở tính toán phương án tài chính; chưa bao gồm các dự báo dẫn suất (hoạt động của máy bay theo lượt, năm, giờ cao điểm…).
“Đề nghị tư vấn rà soát các số liệu trong công tác dự báo. Phương pháp tính toán dự báo tỷ lệ tăng trưởng vận chuyển hành khách hàng không cần căn cứ trên quy mô, vị trí địa lý, tình hình phát triển kinh tế xã hội vùng và phải được xem xét tổng thể trong việc phát triển chung của các lĩnh vực vận tải khác và các quy hoạch có liên quan của các địa phương”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT khuyến nghị.
Trong lần thứ 2 góp ý về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đại diện Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra quan ngại về khả năng huy động vốn cho Dự án.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nhu cầu vốn tín dụng của Dự án chiếm 85% nguồn vốn BOT. Như vậy, nguồn vốn thực hiện Dự án chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng trong khi công trình có thời gian hoàn vốn lên tới 45 năm khiến rủi ro cao, bởi theo hồ sơ, phương án trả nợ của Dự án chỉ bao gồm khấu hao và lợi nhuận ròng, trong khi nguồn trả nợ này không đủ khả năng trả nợ trong 8 năm đầu khai thác.
Liên quan đến việc lựa chọn lại nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài chính cho biết, khoản 4, Điều 101, Luật PPP quy định: “Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án”. Hợp đồng dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận ký kết với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông, do đó, UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục triển khai các nội dung hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, theo nội dung Văn bản số 6298/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 7/8/2023 của Bộ KHĐT về việc lấy ý kiến đề xuất điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, hồ sơ do UBND tỉnh Bình Thuận trình có đề cập đến việc kết thúc Hợp đồng dự án đã ký kết với nhà đầu tư.
“Đề nghị cơ quan Thường trực Hội đồng Thẩm định yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, đánh giá toàn diện tình hình triển khai Dự án, báo cáo làm rõ nguyên nhân, căn cứ đề xuất và trách nhiệm của các bên trong việc chấm dứt Hợp đồng theo quy định cũng như phương án nguồn vốn xử lý các chi phí mà nhà đầu tư đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh phát sinh khiếu kiện”, Bộ Tài chính đề nghị.