Didi Global đối mặt với án phạt "chưa từng có" từ Bắc Kinh

Didi Global đối mặt với án phạt "chưa từng có" từ Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà chức trách Trung Quốc đang xem xét áp dụng một khoản tiền phạt "chưa từng có" đối với Didi Global sau khi niêm yết tại Mỹ.

Cơ quan quản lý công nghệ Trung Quốc (CAC) đang cân nhắc về án phạt cao kỷ lục với Didi Global, công ty sở hữu ứng dụng gọi xe lớn nhất nước này sau khi công ty này tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gây tranh cãi vào cuối tháng trước, Bloomberg trích dẫn các nguồn tin thân cận cho biết.

Theo Bloomberg, giới chức Bắc Kinh cho rằng việc Didi Global vẫn tiến hành IPO mà không nhận được sự ủng hộ của CAC có thể bị coi là hành động “thách thức” Bắc Kinh. Quan chức thuộc CAC, Bộ An ninh Trung Quốc, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cùng các cơ quan thuế, chống độc quyền đã bắt đầu tiến hành điều tra tại các văn phòng của Didi Global từ đầu tháng này. Ngày 16/7, đại diện của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc và Bộ An ninh Trung Quốc đã đến trụ sở của công ty.

Mức phạt lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Trung Quốc đang thuộc về "gã khổng lồ" Alibaba. Hãng hiện đang nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài nhiều tháng.

Nguồn tin cho biết thêm, Didi Global cũng đang đối mặt với nguy cơ bị buộc phải hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York. Sau tin tức trên, cổ phiếu Didi Global giảm sâu 11,30% trong phiên giao dịch ngày 22/7. Hiện tại, cổ phiếu của Didi Global đã giảm xuống còn 10,20 USD. Trước đó, hãng niêm yết lần đầu trên NYSE với mức giá 14 USD vào ngày 30/6.

Đợt IPO tại Mỹ đã mang về cho Didi Global 4,4 tỷ USD và là đợt IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ kể từ Alibaba năm 2014. Vài tuần trước khi IPO, CAC đề nghị Didi Global hoãn niêm yết để kiểm tra cẩn thận tính bảo mật của hệ thống mạng của mình. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của hãng đã phớt lờ thông báo của cơ quan quản lý và vẫn tiến hành niêm yết.

Các nhà chức trách hiện đang điều tra tính bảo mật dữ liệu sau khi Didi thu thập dữ liệu cá nhân từ khách hàng. Bắc Kinh lo ngại dữ liệu do Didi thu thập có thể rơi vào tay người nước ngoài khi tiến hành niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế sức ảnh hưởng quá lớn của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mà không gây tổn hại đến ngành vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Bắc Kinh cũng thắt chặt hơn các quy tắc tiến hành IPO trên sàn giao dịch nước ngoài đối với các công ty Trung Quốc. Giờ đây, bất kỳ công ty nào muốn niêm yết cổ phiếu ở một quốc gia khác sẽ cần phải xin phép.

Didi Global được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2012 bởi cựu nhân viên Alibaba Cheng Wei. Công ty có hơn nửa tỷ người dùng, cung cấp các dịch vụ taxi, cho thuê ô tô và xe đạp, giao đồ ăn, vận chuyển hàng hóa, tài chính và các dịch vụ khác.

Năm 2020, doanh thu của công ty lên tới 141,74 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21,63 tỷ USD). Các nhà đầu tư vào công ty hiện tại bao gồm SoftBank Group, Tiger Global Management và Temasek Holdings.

Tin bài liên quan