Giải trình với Ủy ban Chứng khoán liên quan việc công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về Báo cáo kiểm toán độc lập năm 2019, phía Công ty Đầu tư & Thương mại DIC (DIC-Intraco) cho biết, đơn vị này đang kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến khoản công nợ gần 172 tỷ đồng.
Đây là khoản công nợ liên quan đến hợp đồng cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. DIC đã làm đơn khởi kiện và gửi lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu EVN hoàn trả số tiền hơn 208 tỷ đồng (bao gồm 172 tỷ đồng nói trên). Bước tiếp theo sẽ hoàn thiện hồ sơ kiện đòi thêm gần 127 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà DIC yêu cầu EVN phải chi trả cho Công ty lên đến 335 tỷ đồng.
Tại báo cáo thường niên năm 2018 của DIC cũng cho thấy, tháng 4/2018 công ty đã hoàn thành hợp đồng trị giá hơn 1.100 tỷ đồng với EVN để cung cấp than chạy thử nghiệm cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Tuy nhiên, quá trình quyết toán gói thầu gặp vướng mắc liên quan về thuế, điều khoản hợp đồng dẫn tới việc thanh toán bị trì hoãn, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DIC, khiến thiếu hụt vốn lưu động.
Việc công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo kiểm toán riêng, hợp nhất 2019 là lý do khiến DIC bị hủy niêm yết hơn 26 triệu cổ phiếu từ ngày 10/8.
Liên quan đến câu chuyện DIC khởi kiện, phía EVN cho hay, theo yêu cầu trong Đơn khởi kiện của Liên danh DIC-INTRACO-SGE-VLHN thì Liên danh yêu cầu EVN phải trả các khoản tiền của hợp đồng cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử, nghiệm thu Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với số tiền tổng cộng là 208,17 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phản đối các yêu cầu của của Liên danh này vì đây là các yêu cầu phi lý, không phù hợp với các quy định trong hợp đồng ký giữa EVN và Liên danh nhà thầu, không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Việc phạt chất lượng do than không đúng tiêu chuẩn và việc EVN giữ lại tiền hàng chưa thanh toán là bởi trong các điều khoản của hợp đồng có nội dung: Trong trường hợp than không phù hợp, Bên mua có quyền: Phạt bên bán 8% giá trị chuyến hàng theo giá trị Hóa đơn phát hành cho lần thanh toán đợt 1 của lô hàng tương ứng vì than không đạt tiêu chuẩn; “Than không đạt tiêu chuẩn có nghĩa là bất kỳ loại than nào mà Bên bán giao cho Bên mua có một hoặc nhiều đặc tính không thỏa mãn các thông số kỹ thuật yêu cầu như quy định.
Qua thực tế tổng hợp theo chứng thư giám định tại cảng dỡ Vĩnh Tân, có 26 chuyến vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Trong quá trình thanh toán, Ban AVT đã cân đối, thông báo cho nhà thầu và giữ lại số tiền 70,29 tỷ đồng để đảm bảo đủ tỉ lệ phạt 8% theo quy định hợp đồng.
Ngày 20/08/2019, EVN đã tổ chức họp với đại diện theo ủy quyền của nhà thầu Liên danh là DIC để đề nghị nhà thầu tuân thủ các quy định của hợp đồng về tỉ lệ phạt vi phạm chất lượng do than không đúng tiêu chuẩn.
Tại Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị chủ đầu tư EVN “Tính toán, thống nhất với nhà cung cấp về giá trị các khoản phạt liên quan đến hợp đồng của gói thầu số 12, bao gồm cả khoản phạt 8% giá trị chuyến hàng sai quy cách để xác định chi phí mua than chạy thử trong kỳ và tiếp tục giảm trừ với các chuyến hàng than không đạt yêu cầu của kỳ sau, quyết toán hợp đồng theo quy định”.
Việc phạt chất lượng do than không đúng tiêu chuẩn đã được nhà thầu và EVN thỏa thuận, thống nhất vào thời điểm ký kết hợp đồng. Tỉ lệ phạt 8% cũng đã được các bên ấn định áp dụng đối với trường hợp than có một hoặc nhiều đặc tính không thỏa mãn các thông số kỹ thuật yêu cầu như quy định tại Phụ lục của hợp đồng. Vì vậy, nhà thầu liên danh DIC-INTRACO-SGE-VLHN có nghĩa vụ chi trả cho EVN khoản phạt 8% giá trị chuyến hàng theo giá trị Hóa đơn trước thuế, phí trong nước của 26 chuyến hàng than không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đề cập ở trên.
Đối với đề nghị của nhà thầu Liên danh DIC-INTRACO-SGE-VLHN về việc áp dụng tỉ lệ phạt thấp hơn 8% đối với 13 chuyến hàng (trong tổng số 26 chuyến hàng) vi phạm tiêu chuẩn chất lượng than là không phù hợp với quy định của hợp đồng số 04/2017/HĐMB đã được các bên thỏa thuận thống nhất trước đó và trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự về tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận hợp đồng nêu trên.
Các chuyến than không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dù sai lệch lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng nhất định đến tính kinh tế trong vận hành của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Với trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước như EVN, việc đảm bảo lợi ích của nhà nước là yêu cầu bắt buộc. Do vậy, như đã được kiến nghị bởi Kiểm toán nhà nước nêu trên, EVN nhận thấy không có cơ sở để chấp thuận tỉ lệ phạt thấp hơn 8% cho các chuyến hàng than không đúng chất lượng như đề nghị của Liên danh DIC-INTRACO-SGE-VLHN.
Hiện nay, giá trị tiền hàng EVN hiện đang giữ lại chưa thanh toán cho nhà thầu là 48,3 tỷ đồng. Số tiền giữ lại này được tính toán để bù trừ với khoản phạt chất lượng do than không đạt tiêu chuẩn mà Liên danh DIC-INTRACO-SGE-VLHN có nghĩa vụ chi trả cho EVN theo hợp đồng. Có thể thấy, nếu bù trừ với khoản phạt chất lượng than theo quy định của hợp đồng là 70,29 tỷ đồng thì nhà thầu vẫn còn phải trả thêm cho EVN khoản tiền chênh lệch so với khoản tiền mà EVN đang giữ lại để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện phạt vi phạm hợp đồng.
Đối với vấn đề phí lưu tàu (thường gọi là phí dôi nhật) và thưởng giải phóng tàu sớm, theo đơn khởi kiện của nhà thầu thì nhà thầu yêu cầu EVN phải trả số tiền dôi nhật ngày tàu là 35,5 tỷ đồng. Số tiền này vẫn đang được các bên tính toán, thương thảo để thống nhất nên chưa có cơ sở để thanh toán cho nhà thầu.
Việc thanh toán phí dôi nhật (nếu có) sẽ được EVN thực hiện sau khi cân đối, bù trừ với số tiền hàng EVN đang giữ lại và khoản phạt chất lượng do than không đáp ứng tiêu chuẩn nêu trên.
Về việc hỗ trợ cước vận chuyển phát sinh do chênh lệch về mớn nước tại cảng dỡ, hiện nay, nhà thầu đang đề nghị EVN hỗ trợ chi phí vận chuyển để bù đắp các chi phí chênh lệch cước, cước khống, chi phí thuê gàu ngoạm tại cảng xếp, chênh lệch giá hàng… là 5,087,698.99USD tương đương 118,365,317,002 VNĐ.
Theo EVN, đề nghị này không có căn cứ theo các quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật. EVN là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mọi khoản chi phí đều phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Từ các nội dung nêu trên, EVN không chấp thuận đề nghị hỗ trợ chi phí vận chuyển than cho nhà thầu do Hợp đồng không có quy định về vấn đề này. EVN cho rằng nội dung khởi kiện của nhà thầu yêu cầu EVN phải chi trả tiền phạt mớn nước với giá trị: 118,365,317,002 VNĐ là không có cơ sở.