Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, SCIC đang trong lộ trình thoái vốn nên công ty cũng phối hợp để thực hiện. Vì vậy, khả năng năm 2020 sẽ thuận lợi cho việc VOC chuyển sang niêm yết trên HOSE. Trong năm, VOC cũng chưa có kế hoạch huy động thêm vốn.
Năm 2018, VOC đạt tổng doanh thu 4,375 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỷ đồng, thực hiện được 87% kế hoạch đề ra.
Bà Liễu cho biết, các doanh nghiệp dầu ăn đối diện khó khăn khi giá dầu giảm liên tục, đặt mua dầu chưa kịp cập cảng đã lỗ giá dầu nguyên liệu. Chưa kể, lợi thế về thuế tự vệ với thị trường nội địa cũng bị dỡ bỏ khiến VOC cũng giảm lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, VOC đã dịch chuyển kinh doanh, từ thuần mua bán nguyên liệu sang mô hình công nghiệp và kênh xuất khẩu.
Hiện công ty đã xuất khẩu dầu mè cho Nhật Bản, Trung Quốc..., VOC cũng sẽ tập trung xuất khẩu dầu chuyên biệt có lợi thế như dầu mè, cải, hướng dương... cho các thị trường mới, phấn đấu tỷ trọng khoảng 30% tổng doanh thu.
"Đối với chiến lược xuất khẩu thì lợi thế là dòng sản phẩm chuyên biệt như dầu mè, cải, hướng dương...; còn công nghiệp thì tập trung công thức hoá", bà Liễu chia sẻ.
Năm 2019, VOC đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng, tăng 12% so thực hiện năm 2018. Cổ tức trả bằng tiền mặt dự kiến tỷ lệ 12%.
Kết thúc quý I, VOC đạt 626 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng.
Trả lời thắc mắc cổ đông về doanh thu giảm, đại diện VOC cho biết, giá dầu đi xuống khiến VOC phải thực hiện kinh doanh thận trọng. Nếu gia tăng sản lượng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận rất nhiều do giá không thuận lợi. Càng tồn trữ kho càng lớn sẽ ảnh hưởng lợi nhuận. Vì vậy, VOC giảm kênh thương mại, tập trung vào kênh xuất khẩu và kênh công nghiệp, ít bị tác động bởi biến động của giá dầu.