Ông Hiển ví von, SHB như cô gái đẹp và được nhiều “chàng trai” (nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - PV) quan tâm nhưng quan điểm của SHB trước đây là chọn nhà đầu tư có khả năng tài chính tốt, đi đường dài với Ngân hàng.
“Tuy nhiên thời gian qua, Ngân hàng gặp các “chàng rể” chủ yếu có ý định đồng hành thời gian ngắn, cho đến cuối năm ngoái, Ban lãnh đạo đã gặp gỡ “sâu hơn” với một số tập đoàn tài chính lớn, có chiến lược từ 3 - 5 năm. Theo đó, Ngân hàng đang trao đổi, đàm phán và dự kiến trong năm nay và năm sau sẽ có những chàng rể trung hạn”, ông Hiển nói.
Đáng chú ý, Chủ tịch SHB cho biết, năm nay, Ngân hàng sẽ chốt phương án xây dựng trụ sở của Ngân hàng theo các cấp có thẩm quyền.
“Các cấp có thẩm quyền cho phép thì chúng tôi cũng sẽ xây dựng và năm sau các cổ đông sẽ chứng kiến việc xây dựng trụ sở SHB tại 31-33 Lý Thường Kiệt”.
Tại đại hội lần này, SHB trình cổ đông hai kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, tương ứng với hai hạn mức tăng trưởng tín dụng là 10% và 14%. Cụ thể, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, đạt 10.626 tỷ đồng. Tuy vậy, tại cả hai phương án, Ban lãnh đạo Ngân hàng đều đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ là 15%.
Liên quan đến vấn đề chia cổ tức, Chủ tịch SHB cho biết, cổ tức 15% là dự kiến trước những khó khăn trong năm 2023. Đây chỉ là dự kiến, nếu doanh thu lợi nhuận tăng, Ngân hàng sẽ đảm bảo đưa lợi ích của cổ đông, đưa tỷ lệ chia cổ tức bằng hoặc cao hơn năm 2023.
“Chia cổ tức bằng cổ phiếu là nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. Chúng tôi sẽ cân nhắc vấn đề cổ tức tiền mặt trong các năm sau”, ông Hiển thông tin thêm.
Trước câu hỏi liên quan đến kết quả kinh doanh quý I/2023, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB thông tin, tăng trưởng so với cuối năm 2022, tăng trưởng vốn trên 8%, tăng trưởng tín dụng 6%, lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Hà thông tin thêm, SHB được NHNN cấp room tăng trưởng tín dụng năm 2023 ban đầu là 7,9% và đã sử dụng gần 6%.
Tại ĐHCĐ, ông Đỗ Quang Hiển đã tiết lộ về SHB Finance: "Dự kiến trong tháng 4 sẽ thực hiện xong thủ tục, tháng 5 sẽ thực hiện giao tiền và đối tác sẽ đặt trước 50%. 3 năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại và đối tác vào quản trị điều hành. Giá trị bán theo như thoả thuận thì chưa công bố được, nhưng cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài".
Được biết, SHB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 19,47%, lên 36.645 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Trong đó, SHB dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 18%.
Bà Ngô Thu Hà cho biết, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của SHB trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh cho SHB trên nguyên tắc an toàn hiệu quả.
Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ phát hành 45,12 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu phổ thông phát hành cho người lao động sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, do Hội đồng quản quyết định sau khi ĐHĐCĐ thông qua và được sự chấp thuận của cơ quản lý Nhà nước.
Đại hội lần này cũng thông qua việc thay đổi cơ cấu thành viên HĐQT Ngân hàng, cụ thể, ông Nguyễn Văn Lê, Thành viên HĐQT và ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT không thể tiếp tục tham gia hoạt động của HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 vì lý do sức khoẻ.