ĐHCĐ HDBank: Chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 65%

(ĐTCK) Ngày 13/6, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HoSE: HDB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua nhiều nội dung quan trọng.
ĐHCĐ HDBank: Chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 65%

Chia cổ tức khủng và phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

ĐHCĐ HDBank 2020 đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Theo đó, cổ đông HDBank sẽ được nhận gồm 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng, tổng cộng lên tới 65%. 

Vốn điều lệ của HDBank sau khi hoàn tất tăng thêm theo kế hoạch của 2020 là hơn 16.088 tỷ đồng.

Ngoài ra, HDBank cũng tính kế hoạch phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note bằng USD để huy động khoảng 1 tỷ USD và thời gian dự kiến phát hành là 2020-2024. 

Trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Trả lời cổ đông về việc vì sao quyết định phát hành trái phiếu quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho biết, với quy mô hiện tại của HDBank thì việc gia nhập thị trường vốn quốc tế là điều tất yếu.

Theo bà Thảo, đây là thời điểm để HDBank bổ sung nguồn vốn dài hạn với chi phí rẻ, bổ sung cho các dự án phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Còn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, HDBank sẽ chỉ phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược có kế hoạch cụ thể, mang lại lợi ích tốt nhất cho ngân hàng.

Năm nay, HDBank đang có kế hoạch chuyển đổi Công ty HD Saison thành công ty cổ phần, có thể IPO HD Saison, tìm kiếm đối tác chiến lược khi có điều kiện thuận lợi chuyển đổi thành vốn góp.

Cũng trong năm nay, HDBank dự kiến phát hành tối đa 5.000 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá USD và/hoặc 10.000 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá VND. Tổng mệnh giá phát hành dự kiến tối đa 500 triệu USD hoặc 10.000 tỷ đồng. 

Đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền và được tính bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank. 

Tự tin với mục tiêu lợi nhuận 2020

Năm 2020, HDBank muốn tăng tổng tài sản thêm 33% so với năm 2019 lên trên 305 nghìn tỷ đồng; huy động vốn (gồm cả huy động khách hàng và giấy tờ có giá) tăng 35%; dư nợ tín dụng tăng 16%, nợ xấu kiểm soát dưới 2%. 

Đồng thời, HDBank cũng dự tính đưa lợi nhuận trước thuế lên mức cao kỷ lục mới là 5.661 tỷ đồng, cao hơn 13% so với năm trước. Mạng lưới giao dịch sẽ mở rộng thêm 18 điểm lên 308 điểm giao dịch khắp cả nước.

Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra trên 5.000 tỷ đồng năm nay, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, dựa trên chiến lược phát triển 5 năm, tỷ lệ ROE luôn đặt ra trên 20%.

Năm nay, tính cả ảnh hưởng của Covid-19 và hài hòa với năng lực tài chính và quản lý rủi ro của HDBank, HĐQT đã đưa ra kế hoạch tương đối cẩn trọng, HDBank vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng ROE trên 20%, tăng trưởng tổng tài sản trên 30%.

HDBank xác định rõ tăng trưởng vào khu vực nào. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ định của NHNN. Tài sản chủ trương tăng vào đầu tư cho ngân hàng chuyển đổi số, tài sản cố định.

Theo lãnh đạo HDBank, kế hoạch 2020 của HDBank so với toàn ngành có vẻ thách thức nhưng so với truyền thống của HDBank lại là cẩn trọng. Những chỉ tiêu kế hoạch này hoàn toàn khả thi.

Kế hoạch kinh doanh của HĐQT xây dựng vẫn đang đảm bảo cho kế hoạch cổ tức của cổ đông. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2019 là 1.38% cho thấy HDBank vẫn kiểm soát được rủi ro.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đ1ôc HDBank cho biết, do dịch Covid-19, ban đầu, HĐQT dự phóng ảnh hưởng của dịch lên 15% danh mục cho vay. Tuy nhiên, HDBank chỉ phải cơ cấu 5,000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% danh mục cho vay, thấp hơn nhiều so với dự phóng ban đầu.

Tính đến hết tháng 5, tốc độ tăng trưởng của HDBank khá tích cực, tăng trưởng tín dụng riêng lẻ đạt 8%, huy động tăng trưởng hơn 11% so với đầu năm. Dự phóng đến hết tháng 6 đạt lợi nhuận riêng lẻ trên 2,300 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm. Gần như chắc chắn đạt được kế hoạch cả năm 2020.

HDBank cũng xác định 2020 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trên nền tảng Big Data đồng thời thực hiện số hóa quy trình, kênh phân phối, sản phẩm dịch vụ và toàn bộ hoạt động ngân hàng, là một bước đổi mới quyết định trong điều kiện thế giới bước vào giai đoạn về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, bình thường mới đời sống xã hội. 
Tin bài liên quan