Dây chuyền may quần jean xuất khẩu ở Công ty cổ phần may da Sài Gòn.

Dây chuyền may quần jean xuất khẩu ở Công ty cổ phần may da Sài Gòn.

Dệt may Việt Nam: Thua thiệt vì lo... cạnh tranh nhau!

Dệt may đã vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu (XK) số 1 của Việt Nam trong năm 2007, với kim ngạch 7,7 tỷ USD. Nhưng giá trị mang lại vẫn còn thấp. Ngoài nguyên nhân là các DN đều phải chi phí quá lớn cho việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, thì một yếu tố quan trọng dẫn đến thực tế trên là sự thiếu “đoàn kết” giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước…

 

Mạnh ai nấy “tiến”

 

Việt Nam đã lọt vào top 10/156 nước xuất khẩu hàng dệt may của thế giới. Tăng trưởng XK hàng dệt may Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.

 

Sự phát triển trong XK hàng dệt may là điều đáng mừng, tuy nhiên, hàng gia công vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn trong XK hiện nay; hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 25%-30% lượng hàng XK.

 

Các DN Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất để gia tăng tỷ lệ sản xuất FOB. Nhưng việc cạnh tranh lẫn nhau giữa các DN trong nước, đã tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu ép giá, thậm chí chuyển từ đơn hàng sản xuất FOB trước đây sang gia công.

 

Theo tính toán của các DN, lợi nhuận của đơn hàng sản xuất FOB gấp 3 lần so với gia công, vì lợi nhuận từ việc làm hàng gia công rất thấp.

 

Thực tế này đang xảy ra với các DN dệt may tại TPHCM. Một nhà nhập khẩu Pháp chuyên đặt hàng sản xuất FOB trước đây đã chuyển sang đặt hàng theo hình thức gia công. Điều này đang đi ngược lại mong muốn của DN dệt may Việt Nam .

 

Một DN nhận gia công cho nhà nhập khẩu này cho biết, hiện nay mỗi DN tự đưa ra một mức giá riêng, nên nhà nhập khẩu “chảnh”, ép giá, sẵn sàng chuyển đơn hàng sang công ty khác nếu DN không chịu mức giá thỏa thuận. Vì sự sống còn của DN và để có việc làm cho công nhân, DN đành phải chấp nhận gia công với cái giá không mong muốn.

 

Nhà nhập khẩu đã nắm được điểm yếu này và cũng biết rõ là đang có nhiều DN xếp hàng để nhận làm với giá thấp hơn. Đó là nỗi bức xúc rất lớn, nhưng tự một vài DN không thể làm thay đổi được điều này. Thực tế đó cho thấy, rõ ràng, các DN trong nước đang tự giết nhau, nhận phần thiệt về mình, còn cái lợi thì để cho nhà nhập khẩu hưởng.

 

Điều này cũng đang làm ảnh hưởng đến việc XK hàng dệt may vào thị trường Mỹ, khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra cơ chế giám sát chống phá giá đối với hàng dệt may Việt Nam . Bộ Công thương và Hiệp hội Dệt may đã kêu gọi các DN trong nước không ký những đơn hàng giá thấp, đừng vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Việt Nam.

 

Muốn tồn tại, phải liên kết

 

Thiếu tính liên kết không chỉ là căn bệnh của DN ngành dệt may, nó đang trở thành điểm yếu căn bản mà hầu hết DN trong nước đang mắc phải.

 

Trong cuộc đối thoại cuối năm với lãnh đạo Bộ Công thương về tình hình XK hàng dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đã bày tỏ quan điểm, DN XK không dại gì đưa ra mức giá thấp để chịu thiệt, nhưng chính việc có nhiều mức giá khác nhau giữa các công ty nên nhà nhập khẩu có điều kiện để ép giá.

 

Nếu các DN chịu ngồi chung để thảo luận, đưa ra một mức giá chuẩn cho các nhà nhập khẩu thì chắc chắn tình trạng này không xảy ra. Và điều này sẽ làm thay đổi ý nghĩ “Việt Nam là một thị trường gia công giá rẻ”.

 

Ngoài ra, tính cộng đồng và chuyên môn hóa trong sản xuất của DN dệt may Việt Nam vẫn còn thấp. Một DN cùng lúc sản xuất quá nhiều mặt hàng, dẫn đến năng suất thấp. So với Trung Quốc, năng suất của DN Việt Nam thấp hơn 30%. Cái thiệt trước mắt đã thấy rõ.

Nhưng tại sao các DN vẫn chưa chịu bắt tay liên kết để đạt được quyền lợi chung, thay vì chấp nhận nhìn người khác móc túi mình? Vai trò của hiệp hội trong vấn đề này thật sự quan trọng.

 

Hiệp hội phải làm gì để các DN XK chịu bắt tay, thỏa thuận một mức giá chuẩn, cạnh tranh lành mạnh? Đây không phải là một bài toán khó cho hiệp hội. Ngay cả bài toán khó dưới đây, hiệp hội vẫn có cách để giải được.

 

Đó là việc Hiệp hội Dệt may kêu gọi các DN dệt may đóng góp quỹ để làm chi phí loppy (vận động hành lang), thuê luật sư… cho DN tại thị trường Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào chịu tham gia. Vì sao? Các DN lý giải, với quỹ trên, hiệp hội nên thu những DN có xuất hàng đi Mỹ và nên thu theo tỷ lệ xuất.

 

Còn việc kêu gọi toàn bộ DN xuất khẩu tham gia thì sẽ rất khó và không công bằng vì đây là chí phí hoạt động cho thị trường Mỹ. Hiệp hội và DN, ai cũng có lý!

 

XK dệt may Việt Nam sẽ đạt 9,5 tỷ USD trong năm 2008, sau năm 2010 phấn đấu lọt vào top 5 nước XK hàng dệt may lớn nhất thế giới… - đó là những kỳ vọng có cơ sở. Nhưng tất cả nỗ lực trên sẽ chẳng là gì nếu giá trị XK vẫn còn thấp và Việt Nam vẫn là một thị trường gia công giá rẻ.

 

Để thay đổi được điều này, ngoài chiến lược phát triển vĩ mô, ngành dệt may đang chờ đợi sự đoàn kết trong cộng đồng DN và tính hiệu quả trong vai trò cầu nối của hiệp hội dệt may.