Dệt may: Phương án cao
Kim ngạch cả năm 2009 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2008, trong điều kiện xuất khẩu của cả nước tăng trưởng "âm", dệt may trở thành ngành dẫn đầu những mặt hàng xuất khẩu của cả nước, vượt dầu thô tới hơn 3 tỷ USD.
Đây là kết quả đáng khích lệ của ngành dệt may trong điều kiện sức mua của nhiều thị trường lớn trên thế giới giảm và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam đều giảm.
Trong các thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam, do đơn giá giảm, nên kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ của cả năm 2009 giảm 5% so với năm 2008, nhưng tăng 18 - 19% về khối lượng. Hàng dệt may của Việt Nam vẫn có lợi thế hơn so với các nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan khi kim ngạch xuất khẩu của các nước này giảm từ 10 - 25%. Còn tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng từ 23% đến 25%. Theo ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thành tích đáng kể trong năm là dệt may Việt Nam đã có thể xuất khẩu một số loại nguyên phụ liệu thay vì hoàn toàn nhập khẩu như trước đây, chẳng hạn vải, xơ polyester, phụ liệu, sợi... được xuất khẩu sang Nhật, Đài Loan, Trung Đông.
Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý I, thậm chí là quý II năm 2010. Dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt khoảng 10,5 tỷ USD, tăng trưởng 12%. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đây là kịch bản lạc quan nhất trong số những kế hoạch ngành dệt may đặt ra.
Khó khăn lớn nhất của ngành dệt may hiện nay không nằm ở khâu nguyên phụ liệu hay đơn hàng mà lại ở nguồn lao động. Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Gilimex cho hay, doanh nghiệp liên tục đăng tuyển và tổ chức tuyển mới lao động nhưng không đủ. Đây là mối lo lớn nhất của Công ty khi xây dựng kế hoạch năm 2010. Thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt, khi năm hết, Tết đến và giai đoạn sau Tết là mối lo chung của nhiều doanh nghiệp. Đây cũng là nghịch lý bởi thời điểm khó khăn về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được các bộ ngành phản ánh tăng cao.
Da giày: Kiếm thị trường mới
Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày chỉ đạt 4 tỷ USD, đứng thứ 4 về xuất khẩu sau dệt may, dầu thô và thủy sản. Quyết định tiếp tục gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam của EU được nhận xét tiếp tục gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp ngành này. Biện pháp được nhiều doanh nghiệp hướng tới là tìm kiếm thị trường mới, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Hiện Mỹ là thị trường giày dép lớn nhất thế giới, trị giá trên 60 tỷ USD mỗi năm. Ngành giày dép Mỹ bao gồm khoảng 100 nhà sản xuất, 1.500 nhà bán buôn và 30.000 cửa hàng bán lẻ, với doanh thu từ riêng bán lẻ hàng năm đạt 25 tỷ USD.
Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng thị phần của Việt Nam cũng mới chỉ chiếm con số khiêm tốn trên 2% về số lượng so với 83,5% của Trung Quốc. Đối với các thị trường xuất khẩu khác như: Nga, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, tuy không yêu cầu cao về mẫu mã và chất lượng nhưng hàng Việt Nam vẫn chưa thâm nhập mạnh vào các thị trường này.
Trong định hướng năm 2010, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trên cơ sở tăng cường năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm và gia tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được. Đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa thích các sản phẩm đặc thù. Bên cạnh tình trạng khan hiếm nhân công mùa vụ, ngành dệt may, ngành da giày còn gặp khó khi chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu sản xuất. Thông thường, nguyên vật liệu chiếm đến 80% giá trị của sản phẩm, trong đó, ngành sản xuất da đóng vai trò quan trọng nhất, nhưng Việt Nam mới chỉ sản xuất và đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu da thuộc, 80% còn lại phải nhập khẩu. Yếu về khả năng tự đảm bảo vật tư nguyên liệu trong nước, thiếu khả năng tự thiết kế mẫu mã, quy mô sản xuất chưa đủ lớn khiến cho lợi nhuận thu về từ ngành này rất thấp. Mục tiêu 5,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng giày dép tới 2010 theo định hướng của Bộ Công Thương, xem ra là một thử thách lớn trong việc cán đích.
Mục tiêu phát triển ngành da giày Việt Nam giai đoạn 2008 - 2010
Nội dung
Năm 2008
Năm 2009
Năm 2010
Giai đoạn
2008 - 2010
Kim ngạch (tr. USD)
Tăng (%)
Kim ngạch
Tăng
Kim ngạch
Tăng
Kim ngạch
Tăng
Tổng cả nhóm hàng chế biến, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ
37.470
27,3
49.690
32,6
60.620
22,0
147.780
27,3
Tỷ trọng trong tổng KNXK
58,5
68,7
72,3
66,5
Giày dép các loại
4.550
13,9
5.100
12,1
5.600
9,8
15.250
11,9
Túi xách, va li, mũ, ô dù
850
34,1
1.300
52,9
1.800
38,5
3.950
41,8
Nguồn: Bộ Công Thương