Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp là đúng đắn, tránh cảm tính

0:00 / 0:00
0:00
Đứng trên góc độ doanh nghiệp thì càng hỗ trợ nhiều càng tốt, miễn 100% thuế càng tốt, song cần đánh giá tác động đa chiều của chính sách đến hoạt động sản xuất, kinh doan và cân đối ngân sách nhà nước.

Theo PGS-TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, các chính sách trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. Mặc dù còn nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ hơn nữa, nhưng doanh nghiệp, người dân cũng phải chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Bộ Tài chính đề xuất 4 chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cần phải hỗ trợ hơn nữa cả thời gian lẫn mức độ, đối tượng hỗ trợ. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Đứng trên góc độ doanh nghiệp thì càng hỗ trợ nhiều càng tốt, miễn 100% thuế càng tốt. Nhưng trên góc độ tổng thể, tôi cho rằng, đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 cho doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 từ 200 tỷ đồng trở xuống; giảm 50% số thuế phải nộp trong 6 tháng cuối năm 2021 cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho một số dịch vụ và miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 cho người nộp thuế bị lỗ liên tục từ năm 2018 đến năm 2020 của Bộ Tài chính là phù hợp với bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) hiện tại.

Còn VCCI muốn kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết tháng 6/2022; giảm thuế giá trị gia tăng lên 50% và mở rộng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 đến 300 tỷ đồng là chưa có cơ sở, chưa đánh giá tác động đa chiều của chính sách đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như cân đối NSNN. Những đề xuất này, theo tôi là cảm tính, trong khi đó, khi đưa ra 4 đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã tính toán mọi tác động của chính sách đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cân đối ngân sách.

Không phải không có lý khi khảo sát về tác động của dịch bệnh mới đây do VCCI thực hiện đã cho thấy, có tới 87-88% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực, nên cần phải mạnh dạn hỗ trợ, thưa ông?

Vậy hãy thực hiện khảo sát người dân; người sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; hộ gia đình, cá nhân kinh doanh xem có bao nhiêu phần trăm số người bị tác động tiêu cực. Tôi tin rằng, tỷ lệ bị tác động tiêu cực chắc chắn lên đến 95-97%. Hỗ trợ cho doanh nghiệp tại sao không hỗ trợ cho các đối tượng khác trong xã hội như nâng lương cơ sở để tăng thu nhập cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ NSNN? Tại sao không hỗ trợ nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu vào tăng, trong khi giá bán sản phẩm không chỉ giảm rất mạnh, thậm chí còn không bán được do thực hiện giãn cách xã hội? Tại sao không hỗ trợ cho hoạt động báo chí, đối tượng theo tôi biết gặp rất nhiều khó khăn kể cả khi chưa có Covid-19.

Trong bối cảnh cân đối ngân sách như hiện nay, tôi cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với Nhà nước, nên đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý, vì trên thực tế đã ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp hơn rất nhiều khu vực khác.

Thưa ông, mặc dù dịch bệnh nhưng thu NSNN 7 tháng của năm nay đạt khá, nên còn nhiều dư địa để mạnh tay thực hiện hỗ trợ nhiều hơn nữa?

Đúng là 7 tháng đầu năm nay thu ngân sách đã đạt gần 68% dự toán và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng nên nhớ là dự toán thu năm 2021 thấp hơn năm 2020 và năm 2020 là năm không hoàn thành dự toán. Con số thực thu 7 tháng đầu năm nay chỉ có 912.100 tỷ đồng, trong đó số thu tập trung trong 4 tháng đầu năm là khoảng thời gian chưa xảy ra làn sóng Covid-19 thứ tư và số thu này chủ yếu nhờ vào các nguồn từ năm 2020 chuyển sang và hầu hết là những nguồn không vững chắc như chứng khoán, bất động sản, thu tiền sử dụng đất, nhập khẩu ô tô… Kể từ tháng 5 trở lại đây và từ nay đến cuối năm, những nguồn thu này đang cạn dần, nên số thu ngân sách hàng tháng đã và đang giảm mạnh.

Còn về chi ngân sách, 7 tháng đầu năm mới đạt 48% dự toán, ước vào khoảng 810.600 tỷ đồng, như vậy, nếu tính bài toán số học lấy thu trừ chi thì có kết dư, nhưng bản chất của “kết dư” là chi cho đầu tư phát triển mới đạt 35,55% dự toán. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng khoảng 6%, khi kiểm soát được dịch bệnh chắc chắn phải tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện tăng chi cho công tác phòng chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời thực hiện 4 chính sách miễn, giảm thuế đang được Bộ Tài chính đề xuất thì cân đối ngân sách năm nay vô cùng căng thẳng. Trong bối cảnh này, mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ khó khăn với NSNN.

Không chỉ VCCI, mà nhiều hiệp hội ngành nghề, trong đó có Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng có đề xuất tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp. Quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi được biết, HoREA kiến nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà; không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn…

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng không tránh khỏi khó khăn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh lao đao vì dịch bệnh. Ngân hàng đã phải tự nguyện giảm lãi suất cho vay nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời phải giảm lãi suất nhằm thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện các chính sách này, năm nay, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng giảm hàng chục ngàn tỷ đồng, nếu giảm nữa thì ngân hàng sẽ rơi vào khó khăn và tác động vô cùng lớn đến cả nền kinh tế.

Chưa kể, nếu giảm lãi suất theo đề nghị của nhiều ngành hàng, trong khi với mức lãi suất huy động khoảng 5%/năm như hiện nay, ngân hàng khó có thể giảm lãi suất huy động được nữa, vì nếu giảm sẽ đe doạ ngay tính thanh khoản do người dân không gửi tiền vào ngân hàng. Vì vậy, ngoài việc giảm lãi suất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, còn lại giảm cho khách hàng nào, giảm bao nhiêu là quyền của ngân hàng, không thể ép buộc, cũng như không ai có quyền ép doanh nghiệp phải bán sản phẩm, cung ứng dịch vụ với giá bao nhiêu.

Còn việc chuyển nợ, ngân hàng phải thực hiện theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, không có ngoại lệ cho bất cứ ngành hàng, lĩnh vực nào, bởi nếu không sẽ không thể kiểm soát được nợ xấu.

Thế còn kiến nghị của HoREA về việc không phạt doanh nghiệp bất động sản nợ tiền sử dụng đất quá hạn 90 ngày; giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021 thì sao, thưa ông?

Tôi nghĩ, đề nghị này có thể chấp nhận được, nhưng không áp dụng chung, mà chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có nguồn tài chính để nộp tiền sử dụng đất. Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nếu phạt tiền chậm nộp thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn, nhưng chỉ không phạt với số tiền sử dụng đất nợ trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không phải “xóa án” hết.

Cũng nên giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho nhà ở thương mại đến hết năm 2021, vì số tiền này thực chất không mất đi, năm nay doanh nghiệp chưa nộp thì quý I/2022 sẽ nộp.

Tin bài liên quan