Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: Nhật Bắc)
Trả lời câu hỏi của báo chí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (29/10), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn nhận được sự quan tâm của các nhà báo, của cộng đồng xã hội và đặc biệt trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV này cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã có báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề để đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri cả nước.
Cung cấp thêm thông tin tới báo chí, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đến ngày 31/10/2022, giải ngân của cả nước ước đạt khoảng 298 nghìn tỷ đồng, tăng 40,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 16%) so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm có thấp hơn so với năm ngoái là 51,34%, vì phần mẫu số có cộng thêm 38 nghìn tỷ đồng giao bổ sung dự toán năm 2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng cũng đã giao trong đầu tháng 10. Nếu không tính con số 38 nghìn tỷ này thì đạt khoảng 55%, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021.
Do quy định về ngân sách giải ngân đến 31/1 năm sau và giải ngân cả năm thường dồn vào 3 tháng cuối năm, nên đến 31/01/2022, tỷ lệ giải ngân cả năm 2021 được hơn 90%.
Đối với năm 2022, để thúc đẩy giải ngân trong 3 tháng còn lại (tới 31/1/2023), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, kiến nghị với Chính phủ một số nhóm giải pháp để có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023.
Đầu tiên là phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Chính phủ đi làm việc với các bộ ngành, địa phương.
Thứ hai là các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu phải đôn đốc thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được.Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng, làm sao có được khối lượng tương đối lớn để có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.
Thứ ba là thực hiện ở các bộ ngành, địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.
Thứ tư là liên quan đến vấn đề thủ tục, các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi chúng ta có khối lượng, để làm sao tránh tình trạng dồn dập, như rơi vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, chúng ta giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án. Lúc đấy sự phục vụ của hệ thống Kho bạc cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Cuối cùng, đó là công tác chuẩn bị. "Chúng ta chuẩn bị bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm", Thứ trưởng nêu rõ.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhắc lại, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác, trong đó 4 Phó thủ tướng là tổ trưởng 4 tổ. Tổ thứ 5 là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng và tổ thứ 6 là Bộ trưởng Bộ Tài chính là tổ trưởng.
"Các tổ thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ ngành, địa phương. Với những giải pháp rất quyết liệt, kịp thời, chỉ đạo điều hành linh hoạt, chúng ta sẽ đạt được yêu cầu", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nêu rõ.