Lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch năm 2018
Trong quý III/2018, May Sông Hồng đạt doanh thu 1.189 tỷ đồng, tăng 26%; biên lợi nhuận gộp đạt 20,4%, tăng hơn 4% so với quý III/2017. Cùng với đó, doanh thu tài chính tăng, trong khi tổng các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp hầu như không đổi, nên Công ty đã thu về lợi nhuận trước thuế 161,1 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ năm trước, ghi nhận quý có lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, May Sông Hồng đạt doanh thu 2.985 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận trước thuế 335,5 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 273,2 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2018, Công ty đã hoàn thành 85% chỉ tiêu doanh thu và vượt 18,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
May Sông Hồng tiền thân là Xí nghiệp may 1/7, thành lập năm 1988 tại Nam Định, đến năm 1993 đổi tên như ngày nay, hiện là một trong những doanh nghiệp đầu ngành may Việt Nam, với hoạt động chính là sản xuất hàng may xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn sản xuất - kinh doanh các sản phẩm chăn ga gối đệm.
Trong mảng sản xuất hàng may xuất khẩu, trước đây, hoạt động kinh doanh của May Sông Hồng tập trung vào hình thức gia công (CMT). Đây là phương thức sản xuất đơn giản, giá trị gia tăng thấp, doanh nghiệp nhận nguyên vật liệu, mẫu thiết kế và yêu cầu cụ thể từ khách hàng, sau đó cắt may, hoàn thiện sản phẩm. Những năm gần đây, Công ty đẩy mạnh mảng FOB “mua nguyên liệu, bán thành phẩm”, tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất cho đơn hàng, từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Cụ thể, tỷ trọng mảng FOB liên tục tăng, chiếm 72% tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu mảng gia công là 23%, tiếp tục giảm so với mức 38% trong năm 2016 và những năm trước đó.
“Việc tăng tỷ trọng mảng FOB là nguyên nhân chính giúp doanh thu, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng mạnh”, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng nói và cho biết, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng FOB, định hướng đến năm 2022, tỷ trọng mảng này chiếm khoảng 80% tổng doanh thu.
Đối với mảng chăn ga gối đệm, dù chỉ đóng góp 10 - 15% tổng doanh thu trong những năm qua, nhưng nhờ May Sông Hồng chủ động hoàn toàn từ thiết kế đến sản xuất, nên biên lợi nhuận gộp đạt mức cao, trên dưới 40%.
Các nhãn hiệu của Công ty như Doraemon, Elegance, Hello Kitty không những cạnh tranh tại thị trường trong nước, mà sản phẩm còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, chẳng hạn Nhật Bản, Hàn Quốc.
Triển vọng từ tự do hóa thương mại
Với đặc thù thâm dụng lao động, trong khi Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, khéo léo, ngành dệt may có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Trong giai đoạn 2007 - 2017, giá trị xuất khẩu hàng dệt may tăng bình quân 13%/năm, gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP trong cùng giai đoạn (6,05%).
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Thống kê ước tính, xuất khẩu dệt may mang về 22,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2017, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và dự báo cả năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu có thể đạt 35 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng cao của ngành dệt may được dự báo duy trì trong những năm tới, một trong những động lực đến từ tự do hóa thương mại qua các hiệp định mà Việt Nam đã, đang và sắp ký kết.
Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Với việc đã có 7/11 nước thành viên phê chuẩn, CPTPP dự kiến sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 12/2018.
Báo cáo phân tích tháng 11/2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: “Trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP sau khi hiệp định này có hiệu lực từ năm 2019”.
Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2018, hoặc đầu năm 2019. Việc 99,2% dòng thuế quan được EU cam kết cắt giảm với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong 7 năm kể từ khi ký kết hiệp định sẽ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dệt may vào thị trường này.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của May Sông Hồng hiện nay là Mỹ, mang lại khoảng 60% doanh thu xuất khẩu hàng năm của May Sông Hồng, tuy chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và không tham gia CPTPP, nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng được đánh giá là yếu tố giúp hàng dệt may Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh khách hàng Mỹ có động thái chuyển hướng tìm kiếm nhà cung cấp mới bên ngoài Trung Quốc.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của May Sông Hồng là châu Âu, đóng góp khoảng 30% doanh thu xuất khẩu. Hàng rào thuế quan được gỡ bỏ sẽ là yếu tố có giúp Công ty đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường châu Âu cũng như các nước thành viên CPTPP, không chỉ từ các khách hàng hiện hữu, mà còn mở rộng thêm khách hàng mới.
“EVFTA sẽ nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30 - 40% trong hơn 10 năm tới”, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định.
Một lợi thế khác của May Sông Hồng là các khách hàng hiện hữu có tính tập trung cao vào 6 đối tác lớn là New York & Company, Columbia Sportwear, Haddad Brands, GIII APPAREL, GAP Inc và SEA-A. Đây đều là các thương hiệu lâu đời trong ngành may mặc nên rủi ro thanh toán, rủi ro đối tác hầu như không đáng kể, trong khi việc hợp tác với các đối tác lớn giúp May Sông Hồng tăng nhanh quy mô đơn hàng cũng như tăng uy tín, thương hiệu, qua đó dễ dàng hơn trong việc phát triển, tìm kiếm khách hàng mới.
Đơn cử, với Haddad Brands, dù chỉ mới hợp tác từ năm 2017, nhưng doanh thu từ Haddad đã chiếm tới 20% doanh thu của May Sông Hồng trong nửa đầu năm 2018, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng ở mức hai con số của Công ty.
Với lịch sử hơn 60 năm, Haddad hiện là công ty thiết kế, kinh doanh và phân phối cho các thương hiệu mang tính biểu tượng toàn cầu về quần áo và phụ kiện dành cho trẻ em như Nike, Levi’s, Jordan, Nike, Converse…; mạng lưới phân phối có mặt ở 30 quốc gia và có văn phòng cung ứng, kinh doanh tại 22 thành phố lớn trên thế giới như New York, Mexico, Montreal, London, Thượng Hải…
Trong tháng 10/2018, May Sông Hồng đã nộp hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, dự kiến cổ phiếu MSH sẽ chào sàn trước khi kết thúc năm.
So với các doanh nghiệp dệt may đang giao dịch trên sàn chứng khoán, quy mô doanh thu, tỷ lệ ROE, ROA của May Sông Hồng hiện thuộc nhóm cao nhất.
Với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) lũy kế 4 quý gần nhất và tính trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành bình quân của MSH là 13.560 đồng/CP, thị giá cổ phiếu này có thể đạt 88.000 đồng/CP khi so sánh hệ số giá trên thu nhập (P/E) bình quân của một số doanh nghiệp dệt may đang niêm yết (mức P/E này đã giảm đáng kể trong thời gian qua do lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng giá cổ phiếu điều chỉnh theo xu hướng chung của thị trường).
Trong báo cáo phân tích mới đây, bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp và tự do vốn chủ sở hữu, Công ty Chứng khoán FPT đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu MSH là 80.000 đồng/CP, dù các giả định dự phóng đều khá thận trọng, biên lợi nhuận gộp trong những năm tới sẽ tương đương hiện nay và doanh thu tăng trưởng ở mức một con số.
Quy mô, hiệu quả sản xuất đầu ngành, kinh nghiệm thực hiện đơn hàng cho các đối tác lớn hàng đầu thế giới, kết quả kinh doanh tăng trưởng theo xu hướng chuyển dịch từ sản xuất gia công sang các mảng có giá trị gia tăng cao hơn, cùng triển vọng tích cực của ngành dệt may Việt Nam sẽ là những yếu tố nền tảng giúp cổ phiếu MSH trở thành lựa chọn hấp dẫn với nhà đầu tư khi niêm yết.