Đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính: Cơ hội cuối cùng

Đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính: Cơ hội cuối cùng

(ĐTCK) Cơ hội để xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực đang dần trôi qua, dù chủ trương đã có từ 15 năm trước. Đến tháng 10 tới, địa phương này sẽ trình đề án, trả lời câu hỏi, có làm được hay không?

Quan trọng là phải có khát vọng

Ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, vì sao chủ trương xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực đã có từ 15 năm trước nhưng chưa thể thực hiện?

Năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về Thành phố đã xác định việc xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (ASEAN). TP.HCM đã xây dựng các đề án phát triển thị trường tài chính và tiếp tục xác định mục tiêu này trong văn bản thể hiện chiến lược phát triển.

Tuy nhiên cho đến nay, mọi ý tưởng xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần xét về quy mô thị trường tài chính so với cả nước như tổng vốn huy động qua định chế tài chính trên địa bàn TP.HCM giảm từ 40% những năm 2000 xuống còn 24% trong năm 2018, xếp sau Hà Nội là 34%.

“Ý tưởng xây TP.HCM thành trung tâm tài chính theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây và càng mờ nhạt về phương diện chính sách nếu Chính phủ quyết định đặt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội”, ông Lịch nhận xét và cho rằng, xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trước hết phải là vấn đề quốc gia, chứ không phải của riêng địa phương.

Ông Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM lưu ý, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đề cập tầm nhìn đến 2035 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển.

“Một quốc gia phát triển mà không có một trung tâm tài chính quốc tế có được không? Chúng ta phải bắt tay ngay từ bây giờ. Ý tưởng này phải là khát vọng của Chính phủ cho đến mỗi người dân Thành phố. Cần có những quyết sách từ Trung ương đến địa phương trong phát triển một khu tài chính đặc biệt tại TP.HCM, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về mọi phương diện để tạo ra một vụ nổ lớn hay chí ít đủ kích hoạt TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam”, ông Thơ nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định, chủ trương đã có, nhưng thực hiện chưa thành công vì địa phương chưa đủ quyết tâm để đeo bám quyết liệt thực hiện và Trung ương cũng chưa quan tâm đầy đủ để thúc đẩy. TP.HCM còn 2 năm nữa để xây dựng đề án trình lãnh đạo Thành phố và Trung ương thông qua. Sẽ không có cơ hội nữa sau lần thứ hai này. Dù đề án đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng có thể khẳng định sự cần thiết phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vưc và thế giới, vì cả nước.

Theo thống kê của ông Nhân, cứ sau giai đoạn 10 năm thì quy mô kinh tế của TP.HCM lại phát triển bằng quy mô kinh tế cả nước thời điểm 10 năm trước, cho thấy nhu cầu vốn, nhu cầu thanh toán, dịch vụ tài chính phát triển rất mạnh.

Tương lai của thế giới là fintech

Đại học Fulbright Việt Nam là tổ chức hỗ trợ Ủy ban nhân dân TP.HCM xây dựng Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Fulbright Việt Nam cho biết, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế phải là một hệ sinh thái tài chính, không thuần túy là tòa nhà hay một trung tâm tài chính riêng lẻ và phải hỗ trợ cho các hoạt động tài chính xuyên biên giới.

Để đạt được điều này phải có 3 yếu tố: cung, cầu và sản phẩm, tức phải có các công ty tài chính toàn cầu đến giao dịch, các công ty có nhu cầu dịch vụ tài chính đến thực hiện lệnh, có các sản phẩm tài chính đa dạng đạt chuẩn và theo các xu thế lớn của thời đại. Khuôn khổ là như thế, nhưng hy vọng sau một năm nữa, đề án sẽ định hình trung tâm tài chính TP.HCM đầy đủ hơn.

Theo ông Anh, cần tìm ra con đường mới để tận dụng xu thế mới, tận dụng trào lưu cũng như những đột phá trong lĩnh vực công nghệ để biến TP.HCM thành trung tâm tài chính đi đầu trong một số lĩnh vực.

“Một trong những lĩnh vực chúng tôi muốn có sự đột phá là FinTech, kết hợp giữa công nghệ và tài chính mà Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân lực để làm điều này”, ông Anh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giang chia sẻ, lúc đầu, bản thân ông nghĩ rằng, đề án này không khả thi vì ngay cả Úc cũng đang bị tụt lại do không cạnh tranh được với các trung tâm tài chính khác. Nhưng tương lai của thế giới là FinTech, thay đổi cách làm truyền thống, trong khi người Việt Nam có thế mạnh trong ngành phát triển trí tuệ.

Ông Giang dẫn chứng 3 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực FinTech đã vươn ra thị trường khu vực chỉ trong vài năm và tin rằng, Việt Nam chỉ cần chiếm một mắt xích có giá trị gia tăng cao trong chuỗi dịch vụ tài chính toàn cầu là đủ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với nhận định, Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), vì sau gần 10 năm thực hiện đề án phát triển toán học, vị thế của Việt Nam đã nâng từ vị trí 70 lên 35 trên toàn cầu.

Ông Anh nhấn mạnh, công nghệ đang làm thay đổi ngành tài chính, tạo ra cơ hội cho người chơi mới bước vào và cho biết, TP.HCM đã và đang xây dựng những nền tảng cho thực hiện đề án.

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính để hơn 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng với thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai, xây dựng chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo tầm nhìn 2030 và cốt lõi của mô hình thành phố thông minh mà TP.HCM đang xây dựng là thiết bị thông minh và trí tuệ nhân tạo. Thứ ba, đẩy mạnh kiện toàn giao thông từ nay đến năm 2025, ứng dụng quản trị giao thông thông minh.

Thứ tư, tăng tốc chương trình chống ngập, dự kiến năm 2021, dự án chống ngập cho 600 km2 trung tâm hoàn thành, sau đó làm tiếp 5 năm nữa để đến năm 2025, tình hình sẽ khác hoàn toàn.

Thứ năm, hiện đại hóa quy hoạch đô thị.

Thứ sáu, đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố, trong đó quan tâm hơn đến khởi nghiệp công nghệ tài chính.

Đó là 6 nội dung phải tăng tốc thực hiện trong thời gian tới để chuẩn bị xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của đất nước và khu vực.

Có 4 lĩnh vực Thành phố đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế là đào tạo, dịch vụ y tế, môi trường kinh doanh, dịch vụ viễn thông 5G (thí điểm vào năm 2021 và phủ toàn thành phố đến năm 2025).

Theo kế hoạch, đến tháng 10/2019, TP.HCM sẽ hoàn thành đề án để báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó xem xét phương án hoàn chỉnh thiết kế, vị trí phần cứng là các khu lõi phát triển, mục tiêu đến tháng 6/2020 là đấu thầu xây dựng các tòa nhà trung tâm tài chính với tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi quyết tâm xây dựng Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới đạt chất lượng để trình ra Trung ương. Chúng ta không có cơ hội thứ ba nữa, vì lúc đó người ta đã lên tàu đi mất rồi. Đến tháng 10 phải trả lời được câu hỏi có làm được hay không?”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh sau cuộc hội thảo Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới do Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) phối hợp với Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức ngày 17/7/2019.

Tin bài liên quan