“Chết yểu”
Đầu những năm 2000, khi ngành y tế TP.HCM còn chật vật với việc cải cách và phát triển thì xuất hiện thông tin rất mới: Thành phố sẽ có một bệnh viện tư nhân được đầu tư theo chuẩn ngành y tế thế giới. Đó là sự ra đời của Bệnh viện tư nhân Phú Thọ (quận Tân Phú, TP.HCM), với 5 tầng lầu và một tầng trệt, thiết kế 500 giường bệnh, được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại để cấp cứu, điều trị bệnh ung bướu. Bệnh viện này còn có cả phần nuôi và chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Thế nhưng, sau vài năm hoạt động, bệnh viện trên đã phải thông báo đóng cửa vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là vào năm 2007, cơ sở y tế này trở thành đối tượng khiếu kiện của hơn 30 chủ nợ cho vay khoảng 120 tỷ đồng. Nhiều chủ nợ đã thu giữ cả trang thiết bị chữa bệnh. Giờ đây, bệnh viện trở thành bãi cho thuê đậu xe ô tô. Các nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, Bệnh viện Phú Thọ đã đóng của từ năm 2013, đang chào bán nhưng không ai mua.
Tuy không phải đóng cửa như Bệnh viện Phú Thọ, nhưng Bệnh viện Vũ Anh (quận Gò Vấp) cũng đang vật vã tồn tại. Đi vào hoạt động từ năm 2007, Vũ Anh là bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên ở TP.HCM được xây dựng theo mô hình bệnh viện - khách sạn 5 “sao” với số vốn hàng trăm tỷ đồng với trang thiết bị hiện đại. Song bệnh viện này đang sống lay lắt bởi năm 2013, Giám đốc Bệnh viện Vũ Anh bị bắt để phục vụ điều tra với nhiều tội danh. Hàng loạt bác sĩ giỏi một thời từng bị mê hoặc bởi khoản lương thưởng cao chót vót tại Bệnh viện, nay lần lượt ra đi.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, tính đến năm 2013, TP.HCM có 39 bệnh viện tư nhân (36 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 3 bệnh viện 100% vốn nước ngoài). Tuy nhiên, ngoài 3 bệnh viện đã phá sản, hiện có 10-15% trong số đó đang gọi bán do khó khăn tài chính.
Bệnh viện Thành Đô cũng không là ngoại lệ. Thành lập tại quận Bình Tân từ tháng 1/2014 với 320 giường và 21 chuyên khoa lâm sàng, cận lâm sàng, Bệnh viện Thành Đô do Tập đoàn y tế chăm sóc sức khỏe Parkway Health (Singapore) điều hành. Tuy nhiên, do không hút được nhiều bệnh nhân, nên tháng 6/2015, Bệnh viện đã thông báo đổi tên và logo thành Bệnh viện Quốc tế City (CIH). Song dù đổi tên, logo, hoạt động của bệnh viện này vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Vì sao nên nỗi?
Nhìn khung cảnh Bệnh viện Phú Thọ sau nhiều năm bỏ hoang giờ xuống cấp, cửa kính vỡ bể, cỏ mọc nơi cổng ra vào… có thể thấy sự lãng phí quá lớn bởi nếu hoạt động tốt thì bệnh viện này sẽ giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện công tại TP.HCM hiện nay.
Không thể tiếp tục hoạt động, lãnh đạo Bệnh viện quyết định rao bán cơ sở y tế này với giá 26 triệu USD để lấy tiền trả nợ, nhưng hiện chưa có khách mua.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân TP.HCM cho rằng, một số bệnh viện tư của Thành phố phải phá sản, rồi được mua lại, đổi chủ, sửa chữa... là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, công tác điều hành bệnh viện tư còn hạn chế.
Vẫn theo bác sĩ Hải, nhiều bệnh viện tư phải đóng cửa hay hoạt động cầm chừng là do các cơ sở y tế này có đặc thù riêng, phải chấp nhận đầu tư năm, bảy năm thu mới cân đối thu - chi, trong khi đó, do không “trường vốn” nên lãnh đạo bệnh viện phải rút lui.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, ngoài việc thiếu vốn, nhiều bệnh viện tư nhân “chết yểu” hay vắng bệnh nhân là do ngành y tế đang đối xử chưa công bằng trong thanh tra kiểm tra, cấp giấy phép thành lập cũng như cấp chứng chỉ hành nghề.
“Bộ Y tế quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề phải có lý lịch tư pháp mặc dù chúng tôi có lý lịch cá nhân, có đủ bằng cấp, có phạm tội gì đâu mà phải trình lý lịch tư pháp”, một giám đốc bệnh viện tư nhân tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Thời gian qua, trước thực tế nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền ra nước ngoài chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, công tác tại Bệnh viện 115 TP.HCM cho rằng, nhu cầu cần thêm bệnh viện là có thực, nhưng sau khi khảo sát thực tế, nhiều nhà đầu tư đã không dám mạo hiểm.
“Đầu tư y tế là đầu tư dài hạn. Sẽ rất khó nếu nhà đầu tư muốn có lợi nhuận ngay, bởi nếu lấy giá cao, thì người dân không chịu nổi, còn lấy giá thấp thì không đủ kinh phí hoạt động. Chưa kể ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các bệnh viện tư còn phải chi trả cho nguồn nhân lực chất lượng, dẫn đến giá khám chữa bệnh càng tăng. Do đó, muốn đầu tư bệnh viện có hiệu quả thì phải xây dựng dự án tiền khả thi thật chi tiết, tiếp đến là phải quản lý một cách khoa học”, bác sĩ Hải nói.