Sau khi mua vào hơn 6,06 triệu cổ phiếu KPF, nhà đầu tư Nguyễn Như Khánh đã sở hữu 9,96% vốn điều lệ tại KPF trở thành cổ đông lớn tại đây. Trước đó, nhà đầu tư này chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của KPF.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hai cổ đông lớn khác của KPF đã bán ra tổng cộng hơn 12,1 triệu cổ phiếu KPF, qua đó không còn là cổ đông tại đây. Cụ thể, ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên HĐQT KPF báo cáo đã bán toàn bộ hơn 6,04 triệu cổ phiếu KPF, tỷ lệ 9,9% từ ngày 07 - 08/09 và nhà đầu tư Lê Thị Như Thanh cũng đã bán ra toàn bộ 6,06 triệu cổ phiếu KPF, tỷ lệ 9,96% vốn tại Koji.
Theo dữ liệu giao dịch của KPF, trong phiên ngày 08/09, có hơn 12,1 triệu cổ phiếu KPF được giao dịch thoả thuận, với giá trị là 87,77 tỷ đồng, đúng bằng số cổ phiếu của ông Huy và bà Thanh đã bán ra. Nhiều khả năng, một phần số cổ phiếu này đã được nhà đầu tư Nguyễn Như Khánh mua vào trong cùng phiên.
Kể từ đầu năm nay, cổ phiếu KPF đã giảm hơn 44,6%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9, KPF có giá 6.700 đồng/CP.
Về tình hình kinh doanh của Công ty, trong nửa đầu năm 2023, Đầu tư Tài sản Koji ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 27,26 tỷ đồng, giảm 50,91% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 18,5 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty có nguồn thu từ hoạt động đầu tư tài chính vào các công ty con và có ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TTC Duluxe Sài Gòn. Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư vốn vào Công ty liên kết khiến lợi nhuận sụt giảm.