Đầu tư nông nghiệp: Còn nhiều dư địa

Đầu tư nông nghiệp: Còn nhiều dư địa

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang cấp tập bỏ hàng triệu USD đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng những cơ hội từ thị trường.
 

Lãnh đạo Công ty cổ phần Hùng Nhơn cho biết, tới đây, Công ty sẽ liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khoảng 50 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện công ty này đang đầu tư sản xuất gà, trứng và tiến tới có thể là lợn thịt.

Doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn vào bàn ăn của các gia đình, các nhà sản xuất thực phẩm sạch có thị trường rộng lớn, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như giá thành cao hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại và thói quen của người tiêu dùng.

Việc đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu sống còn để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung từ mô hình sản xuất nhỏ nhờ áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất tôm giống đã vươn lên trở thành doanh nghiệp đạt chuẩn công nghệ cao của Nhà nước. Hiện Thủy sản Nam Miền Trung có 6 cơ sở sản xuất tôm giống được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ,  mỗi năm cung cấp cho thị trường 1.000 tấn tôm thịt.

Hay Công ty TNHH Huy Long An từ mô hình kinh doanh cá thể đã trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu chuối lớn bậc nhất Việt Nam. Trước đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn như Vingroup hay PAN đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. 

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, tuy nhiên trình độ sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do WB tại Việt Nam công bố mới đây cho hay, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, bằng hơn một nửa so với Campuchia, Myanmar hay Philippines.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam không thể “làm theo cách cũ”, mà cần thay đổi để vượt qua những thách thức, đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai. Có thể nhìn thấy rất rõ sự tụt hậu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng lưu ý là một tỷ trọng rất lớn gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, thường có giá trị thấp, còn các thị trường sẵn sàng trả giá cao, doanh nghiệp lại đang loay hoay vì nhiều lý do. Đơn cử như thị trường Mỹ, 3 quý đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm trên 30% về kim ngạch, do lượng gạo bị trả về quá nhiều vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Có những thị trường như Indonesia, từ đầu năm đến nay, lượng nhập khẩu gạo Việt Nam chỉ còn hơn 10%, sụt giảm mạnh so với trước. Tình trạng này khiến cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới đây còn lên tiếng kêu gọi doanh nghiệp và nông dân giảm diện tích trồng lúa với tỷ lệ lớn.

Các doanh nghiệp như Thủy sản Nam Miền Trung, Hùng Nhơn, Huy Long An – Mỹ Bình… đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại. Song trên con đường phát triển của mình, họ cũng gặp không ít vấn đề khó khăn. Trong đó, có việc làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được chính xác địa điểm bán hàng thật, hàng sạch.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, cần thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

DAA đề xuất xây dựng mô hình Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Tổ hợp là khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung có diện tích lớn, được chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, sẽ quy tụ và liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong toàn chuỗi để đạt mục tiêu sản xuất với năng suất cao, sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế.

Như vậy, không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành có liên quan như công nghệ thông tin… có thể tìm thấy dư địa để mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đơn cử, tới đây DAA sẽ giới thiệu đề án ứng dựng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - “Sử dụng tem thông minh DAA truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm an toàn” và trong số các hội viên của DAA có cả những doanh nghiệp có ngành nghề chính là công nghệ thông tin như Tập đoàn FPT.        

Tin bài liên quan