Đầu tư chứng khoán: Thận trọng!

Đầu tư chứng khoán: Thận trọng!

(ĐTCK-online) Trước các thông tin doanh nghiệp (DN) vỡ nợ gần đây, nhiều nhà đầu tư đang lo cho sự sụp đổ của các DN nên lánh xa thị trường chứng khoán. Theo quy định của pháp luật, DN muốn niêm yết trên sàn chứng khoán phải hội đủ các điều kiện về vốn pháp định, hoạt động kinh doanh có lãi nhiều năm trước khi lên sàn… Để phân tích rõ thị trường chứng khoán hiện nay, PV Báo SGGP phỏng vấn TS Lê Vũ Nam (ảnh), Trưởng Khoa Luật, kiêm Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM xung quanh vấn đề này.

Sự cố phố Wall, TTCK Việt Nam thế nào?

 

- Thưa tiến sĩ, điều kiện để DN lên sàn là phải hội đủ điều kiện về vốn pháp định, hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi… vậy tại sao giá cổ phiếu hiện nay còn thấp hơn… ly trà đá như thế? Liệu có trường hợp DN cố đánh bóng tên tuổi để được lên sàn, giờ bán xong cổ phiếu thu lợi mới lòi ra sự yếu kém?

 

- Thực tế cho thấy, những khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay cùng với các yếu tố vĩ mô bất lợi của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các DN, trong đó có các DN niêm yết. Tôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài như thời gian qua, giá các cổ phiếu niêm yết gần như “rơi tự do” và nhiều cổ phiếu rớt xuống dưới mệnh giá là có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các DN khi lên sàn không trung thực trong việc lập hồ sơ niêm yết. Vì có thể khi DN lên sàn lúc “sức khỏe tốt” nhưng sau một thời gian “sức khỏe có vấn đề”. Từng có những DN sau thời gian niêm yết không còn đáp ứng được các điều kiện nên đã bị hủy niêm yết. Tất nhiên trong khó khăn những điểm yếu của DN dễ có điều kiện để bộc lộ hơn, trong đó có vấn đề về quản trị công ty.

 

- Sự “rớt giá” và các nhà đầu tư ngại thị trường chứng khoán (TTCK), liệu có sự ảnh hưởng của sự kiện nữ đại gia chứng khoán lừa tiền vừa qua hay không?

 

- Thật ra, tâm lý thận trọng và “ngại” TTCK của các nhà đầu tư đã xuất hiện từ khi thị trường rơi vào suy thoái kéo dài. Nhiều nhà đầu tư đã “cắt lỗ” để thoát khỏi thị trường, số khác vẫn còn “kẹt vốn” và đang chờ cơ hội thị trường phục hồi. Tuy chưa có bất kỳ khảo sát nào về vụ lừa trên TTCK có ảnh hưởng hay không và ảnh hưởng ở mức độ nào đến sự sụt giảm liên tiếp của chỉ số VN-Index trong các phiên giao dịch vừa qua, nhưng dưới góc độ tâm lý, sự kiện trên ít nhiều tác động đến niềm tin và hành vi mua bán chứng khoán của nhà đầu tư. Vấn đề ở chỗ, mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực nhất định trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế và bước đầu đã xuất hiện những tín hiệu khả quan như: lạm phát có dấu hiệu chựng lại, lãi suất giảm… nhưng những tín hiệu này chưa tác động nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công và phong trào “chiếm phố Wall” trên thế giới có nguy cơ tiếp tục lan tỏa đến nhiều quốc gia.

 

- Nhắc đến “phố Wall”, liệu TTCK nhỏ bé như ở Việt Nam có bị sụp đổ?

 

- Tôi cho rằng đặt vấn đề như vậy có phần phóng đại. TTCK vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với DN. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn hiện nay của thị trường thì thách thức được nhân lên gấp bội. Vì vậy, không loại trừ trường hợp một số DN niêm yết làm ăn không hiệu quả phải đối diện với nguy cơ phá sản. Nhưng do “đầu vào” của các DN niêm yết có chọn lọc nên khả năng các DN niêm yết phá sản mặc dù có thể xảy ra nhưng sẽ không mang tính phổ biến. Hơn nữa, trường hợp một DN đang niêm yết tuyên bố phá sản cũng khó xảy ra vì các sở giao dịch chứng khoán luôn giám sát chặt chẽ các DN niêm yết, trong đó có việc duy trì điều kiện niêm yết. Nếu phát hiện “có vấn đề” sẽ có biện pháp xử lý, kể cả việc hủy niêm yết. Nên thông thường doanh nghiệp chỉ tuyên bố phá sản sau khi đã bị hủy niêm yết.

 

Đầu tư vào TTCK: Hãy thận trọng!

 

- Thưa, vậy ông nhận xét như thế nào về hoạt động đầu tư chứng khoán hiện nay, nhà đầu tư có nên tham gia vào thời điểm này, thời gian đầu tư cần bao lâu mới có khả năng sinh lợi?

 

- Các loại chứng khoán hiện nay sụt giảm rất sâu, nhiều cổ phiếu có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách hoặc thấp hơn mệnh giá. Có thể nói đây là cơ hội khá tốt để mua cổ phiếu với giá rẻ. Nhưng trong đầu tư chứng khoán, một trong những quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư là khả năng tăng giá và tính thanh khoản của chứng khoán. Nếu mua được chứng khoán với giá rẻ nhưng chứng khoán đó không có cơ hội tăng giá hoặc bán rất khó thì đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

 

Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, việc dự đoán khi nào TTCK tăng trưởng trở lại là điều không dễ dàng. Dưới góc độ này có thể thấy rằng, việc đầu tư chứng khoán là đối diện với rủi ro nhiều hơn. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn thấy hiện có khá nhiều nhà đầu tư vẫn kiên trì tham gia mua bán chứng khoán, vì thế tính thanh khoản của thị trường vẫn khá cao. Điều này cho thấy, tùy theo quan điểm và khả năng chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư mà họ quyết định có tham gia thị trường hay không, bởi vào thời điểm hiện nay “rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và ngược lại”.

 

- Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư trong thời điểm cuối năm nay?

 

- Tôi cho rằng, thời gian còn lại từ đây đến cuối năm không nhiều và không đủ để chúng ta có thể chứng kiến những tín hiệu mang tính đột phá. Nhưng nếu được phép chia sẻ suy nghĩ của mình với các nhà đầu tư chứng khoán, tôi xin nói một câu, mặc dù không mới nhưng vẫn mang tính thời sự cao: “Hãy thận trọng và cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định đầu tư”!

 

- Xin cảm ơn ông!