Cục trưởng nhận định như thế nào về vai trò của đấu thầu qua mạng trong việc góp phần triển khai có hiệu quả công tác đấu thầu?
Đấu thầu qua mạng là việc tin học hóa các bước trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu.
Kinh nghiệm triển khai đấu thầu trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường hiệu quả mua sắm công của chính phủ thể hiện ở các chỉ tiêu về tăng tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cao, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí đi lại, chi phí in ấn của nhà thầu, bên mời thầu.
Khi đấu thầu qua mạng được áp dụng rộng rãi, chi phí xã hội, chi phí doanh nghiệp sẽ giảm rất lớn. Nhà thầu không cần phải di chuyển từ Bắc vào Nam hoặc đến các địa điểm xa xôi để nộp hồ sơ dự thầu.
Các nhà thầu có cơ hội tiếp cận thông tin đấu thầu, tham dự thầu ngang bằng nhau thông qua kết nối Internet đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, loại bỏ tình trạng ngăn cản nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, thông thầu, quân xanh, quân đỏ xuất hiện tại một số gói thầu đấu thầu truyền thống hiện nay.
Việc xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn góp phần quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu nâng cao khả năng giám sát, thống kê hiệu quả công tác đấu thầu.
Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trong thời gian qua?
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT/BKHĐT-BTC (TTLT07), cả nước có 3.327 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng với tổng giá trị gói thầu là 3.020 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 2.720 tỷ đồng, một số gói thầu có giá trúng thầu tiết kiệm so với giá gói thầu từ 50 đến 60%.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu
Kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2016 có những tín hiệu khả quan, số lượng gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm đầu tiên áp dụng chính thức đấu thầu qua mạng trên phạm vi cả nước bằng cả giai đoạn 2009 - 2015 cộng lại.
Số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đang tăng lên nhanh chóng, theo thống kê, số lượng gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trong 06 tháng đầu năm 2017 là 3.700 gói, cao hơn cả năm 2016. Với đà tăng trưởng này, dự đoán số lượng gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2017 sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba năm 2016.
Xin Cục trưởng cho biết những thuận lợi, lợi ích cũng như khó khăn gặp phải trong việc triển khai đấu thầu qua mạng tại Việt Nam thời gian qua?
Triển khai đấu thầu qua mạng trong thời gian qua gặp nhiều thuận lợi nhờ nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, thể hiện ở Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025.
Các bộ, ban, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc triển khai đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định.
Có thể nhìn thấy rõ các bộ, ban, ngành, địa phương nào quyết liệt đôn đốc, giám sát triển khai chặt chẽ thì tỷ lệ đấu thầu qua mạng tăng rõ rệt; các bộ, ban, ngành, địa phương nào không quyết tâm, cố tình không áp dụng đấu thầu qua mạng thì thường nêu ra các trở ngại, khó khăn và số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng rất thấp, thậm chí chưa thực hiện gói nào.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng có một số khó khăn trong triển khai đấu thầu qua mạng hiện nay. Một là, do mới bắt buộc áp dụng chính thức từ năm 2016 nên nhiều nhà thầu chưa nắm bắt được cơ hội tham gia cạnh tranh sòng phẳng đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng nên số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng còn chưa cao.
Hai là, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ của Hệ thống KONEPS do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ từ năm 2009 nên người dùng còn gặp một số trở ngại khi thao tác trên Hệ thống.
Ba là, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành các mẫu hồ sơ mời thầu cho gói thầu mua sắm hàng hóa qua mạng, chưa có các mẫu hồ sơ mời thầu cho gói thầu xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu qua mạng.
Cục Quản lý đấu thầu đang quyết liệt đưa ra các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng.
Để phát huy những thành quả đạt được bước đầu và khắc phục khó khăn nhằm đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, theo ông, cần có những giải pháp đột phá nào?
Quyết tâm chính trị của người đứng đầu và sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành để đôn đốc, giám sát áp dụng đấu thầu qua mạng đóng vai trò rất quan trọng.
Tháng 7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban nhằm tăng cường sự phối hợp kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương giúp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của đấu thầu qua mạng.
Đầu tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện công khai thông tin trong đấu thầu và thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng theo quy định.
Để giải quyết triệt để các khó khăn hiện tại về mặt kỹ thuật của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Cục Quản lý đấu thầu đang khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) để xây dựng Hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể sử dụng công nghệ hiện đại với đầy đủ các chức năng. Dự kiến lựa chọn thành công nhà đầu tư trong Quý I/2018.
Bên cạnh đó, để tăng tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng, công tác truyền thông thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan chủ chốt bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu cũng cần được đẩy mạnh.
Trong thời gian tới, chủ trương, kế hoạch thúc đẩy triển khai đấu thầu qua mạng như thế nào, thưa Cục trưởng?
Trong thời gian tới, Cục Quản lý đấu thầu sẽ trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó hướng dẫn cụ thể các bước lựa chọn nhà thầu qua mạng và các mẫu hồ sơ mời thầu được số hóa dưới dạng webform đối với gói thầu hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu qua mạng.
Song song với việc ban hành các thông tư về đấu thầu qua mạng, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu liên tục nâng cấp, chỉnh sửa Hệ thống hiện tại để khắc phục các khó khăn về kỹ thuật như dung lượng tệp tin dự thầu, cải thiện giao diện thân thiện với người dùng.
Để mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, Cục Quản lý đấu thầu đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng các mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng và nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm áp dụng đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu sử dụng vốn tài trợ của ADB/WB.
Sự tham gia, ủng hộ tích cực của ADB và WB trong quá trình triển khai đấu thầu qua mạng góp phần thúc đẩy các đối tác phát triển, các nhà tài trợ khác sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho các gói thầu sử dụng nguồn vốn tài trợ của họ và là động lực để đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng tại Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý đấu thầu đang xây dựng hệ thống giám sát, thống kê công tác đấu thầu, hệ thống danh mục sản phẩm e-catalogue và tích cực tham gia “Sáng kiến về hợp đồng công khai” do Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về công khai hợp đồng và WB triển khai.
Trong tương lai không xa, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả thực hiện hợp đồng của các gói thầu sẽ được công khai chi tiết hơn; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cũng như lịch sử tham gia đấu thầu và quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu sẽ được thống kê, công khai và uy tín của nhà thầu sẽ được đánh giá bởi các bên liên quan như các chủ đầu tư, người dân khu vực thực hiện dự án, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu tư vấn xây dựng...