Dấu hỏi về hiệu quả của loạt tiền rẻ mới từ ECB

(ĐTCK) Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Draghi vừa tuyên bố, những khoản cho vay lãi suất thấp, có thể lên đến 400 tỷ euro, đã sẵn sàng được cung cấp cho các ngân hàng theo chương trình “hoạt động tái cấp vốn dài hạn mục tiêu” (TLTRO).
Dấu hỏi về hiệu quả của loạt tiền rẻ mới từ ECB

Sáng kiến này được đưa ra sau khi ECB đã bơm hơn 1.000 tỷ euro cho vay theo chương trình LTRO, kỳ hạn 3 năm, vào hệ thống tài chính eurozone trong năm 2011 và 2012 nhằm đẩy lùi khủng hoảng thanh khoản khi khủng hoảng nợ công đang ở đỉnh điểm.

Một động thái chính sách lớn khác được ông Draghi tuyên bố - lãi suất âm đối với các khoản tiền gửi qua đêm tại ECB - cũng hầu như đã được các thị trường chiết khấu. Bởi vậy, các khoản cho vay TLTRO kỳ hạn 4 năm, nhằm kích thích đầu tư vào khu vực sản xuất của nền kinh tế eurozone được coi là động thái chính sách thực chất nhất kể từ khi ông Draghi tuyên bố hồi tháng 7/2012 rằng, ông sẽ “làm bất cứ điều gì” để ngăn chặn sự sụp đổ của liên minh tiền tệ.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính vẫn nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp chính sách mới này.

“Cắt giảm lãi suất là một liệu pháp tốt, nhưng các biện pháp thanh khoản đã vượt quá kỳ vọng về quy mô”, một nhà quản lý tài sản ở New York nói.

Câu hỏi mà ông Draghi chưa trả lời được là: liệu các ngân hàng ở eurozone có cần đến nguồn tiền mới đó?

Khi cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung dịu đi, các ngân hàng đã nối đuôi nhau trả lại các khoản tiền vay LTRO. Giờ các ngân hàng chỉ nợ ECB 435 tỷ euro, hay 45% số vay LTRO ban đầu. Thanh khoản dư thừa giảm xuống trong hệ thống tài chính đã dẫn đến lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ tăng lên, qua đó đẩy đồng euro tăng giá và chất thêm áp lực giảm phát. Đây là một trong những lý do tại sao ông Draghi có hành động như trong tuần vừa qua.

Cho đến nay, ECB đã có được những thành công nhất định trong việc kéo giảm các mức lãi suất trên thị trường tiền tệ. Như một phần của gói chính sách đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, ECB cho biết, Ngân hàng sẽ không “triệt tiêu” những ảnh hưởng của hoạt động mua trái phiếu chính phủ mà Ngân hàng đã thực hiện giai đoạn 2010 - 2011. Điều đó có nghĩa, ECB sẽ không còn rút về khoảng 165 tỷ euro thanh khoản mỗi tuần. Eonia, lãi suất cho vay qua đêm đồng euro, đã giảm mạnh còn 0,053%/năm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/1999.

Chương trình TLTRO sẽ cần nhiều thời gian hơn để thẩm thấu. Ông Draghi hy vọng, chương trình này sẽ giúp kích thích kinh tế ở những khu vực trong eurozone đang có nguy cơ cao nhất với giảm phát. Nhưng không rõ ảnh hưởng của chương trình này có được phiên bản LTRO ban đầu hay không.

“Chương trình LTRO lúc đầu là nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về vốn của các ngân hàng và nó đã phát huy tác dụng, nhưng tình hình giờ đã thay đổi”, Ken Wattret, đồng kinh tế trưởng về eurozone tại BNP nói. “Hiện không còn khủng hoảng vốn nữa. Thực tế phải cho vay ra nền kinh tế thực khiến các ngân hàng nản chí và họ đang giảm tỷ lệ đòn bẩy”.

ECB cho rằng, TLTRO có sự hấp dẫn riêng của nó. Ngân hàng này tin rằng, các ngân hàng tìm đến với công cụ mới này sẽ không phải là các ngân hàng đã trả lại tiền LTRO cho ECB.

Các khoản cho vay mới sẽ cung cấp thanh khoản cho 4 năm tiếp theo, trong khi nguồn thanh khoản 3 năm của gói LTRO trước đây đang gần đến ngày đáo hạn. Thời hạn vay dài hơn và chi phí vay thấp hơn - các ngân hàng sẽ chỉ phải trả 25 điểm cơ bản mỗi năm - là mấu chốt hấp dẫn các ngân hàng, theo Marco Valli, kinh tế trưởng của UniCredit.

“25 điểm cơ bản cho khoản tài trợ 4 năm là rất hấp dẫn với các ngân hàng”, Valli nói. “Quan trọng là liệu số tiền vốn này có đến được với các khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không, vì đây là những đối tượng rủi ro cao trong con mắt của các ngân hàng. ECB không thể làm được gì nhiều ở khâu này”.

Thách thức của ông Draghi là xây nên một câu chuyện tích cực về TLTRO, để các ngân hàng tham gia chương trình này không bị hiểu là đang yếu hơn so với các ngân hàng khác.

Đầu năm nay, các ngân hàng bắt đầu trở nên nhiệt tình hơn với việc thanh toán các khoản vay LTRO của họ, nhằm tránh bị hiểu lầm là đang lệ thuộc vào các khoản cấp vốn rẻ của ECB và để tránh con mắt săm soi của các cơ quan giám sát châu Âu trong các cuộc kiểm tra khả năng chống đỡ khủng hoảng sắp tới. Ông Draghi đã né tránh vấn đề này trong chương trình LTRO đầu tiên bằng cách thuyết phục tất cả các ngân hàng tham gia. Nhưng không chắc là cách này sẽ phát huy tác dụng lần hai.

Tin bài liên quan