Hoạt động tuyên truyền, đào tạo có vai trò quan trọng và phải đi trước một bước

Hoạt động tuyên truyền, đào tạo có vai trò quan trọng và phải đi trước một bước

“Đặt hàng” mới cho đào tạo chứng khoán

(ĐTCK) Theo “đặt hàng” mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC), trong kế hoạch đào tạo năm 2014, ngoài tập trung đào tạo, tuyên truyền phục vụ cho phát triển các sản phẩm mới, cần góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch cho TTCK.

Ưu tiên cho triển khai sản phẩm mới

Trong nhóm giải pháp tuyên truyền, đào tạo năm 2014, UBCK đặt trọng tâm vào nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền về TTCK phái sinh, các sản phẩm mới, quản trị công ty qua nhiều hình thức như: đào tạo trực tuyến, qua truyền hình, báo chí…

Để cụ thể hóa giải pháp trên, ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc SRTC cho biết, Trung tâm đang hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, tài liệu để phục vụ cho hoạt động đào tạo về TTCK phái sinh. Đây là thị trường hoàn toàn mới đối với Việt Nam, với nhiều quy trình, quy chế, cũng như hệ thống công nghệ giao dịch đặc thù, nên để giúp công chúng, NĐT làm quen dần với thị trường này, hoạt động tuyên truyền, đào tạo có vai trò quan trọng và phải đi trước một bước.

“Ngoài lên kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về TTCK phái sinh, thực hiện chỉ đạo của UBCK, SRTC đang xây dựng các chương trình phổ biến kiến thức về TTCK phái sinh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Hùng nói và cho biết thêm, chương trình đào tạo, tuyên truyền được thiết kế theo hướng bám sát các nội dung của dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh, cũng như các văn bản hướng dẫn mà UBCK đang tập trung hoàn thiện để trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành.

Liên quan đến sản phẩm mới, hiện tại, thị trường đã có 10 quỹ mở được thành lập và theo UBCK, dự kiến sắp tới sẽ có thêm 5 quỹ mở ra đời, nhưng mức độ am hiểu của công chúng đầu tư về quỹ mở còn hạn chế, chứ chưa nói đến chọn sản phẩm này để đầu tư. Thực tế này cho thấy, để thúc đẩy hệ thống quỹ mở phát triển trong những năm tới, đòi hỏi cả nhà quản lý và các công ty quản lý quỹ cần quan tâm nhiều hơn tới hoạt động tuyên truyền, đào tạo mang tính dài hơi cho công chúng đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phổ cập của loại hình quỹ mở nhanh hay chậm, phụ thuộc nhiều vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo cho công chúng đầu tư. Vì yếu tố này mà ngay tại Thông tư 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở, dành hẳn một chương quy định về thông tin cho NĐT. Trong đó, cho phép các công ty quản lý quỹ được quảng cáo, giới thiệu về quỹ mở thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý quỹ cho rằng, để thành công trong phát triển quỹ mở, nhất là phân phối chứng chỉ quỹ, hoạt động tuyên truyền, quảng bá về quỹ có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, các công ty quản lý quỹ đang rơi vào trạng thái “con gà, quả trứng”, nghĩa là chưa xác định rõ đầu tư mạnh cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá về quỹ mở, để thu hút NĐT tham gia quỹ, hay là tìm một phương thức khác để thúc đẩy quỹ phát triển trước khi đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá.

Để góp phần tăng cường hoạt động đào tạo, tuyên truyền về quỹ mở, sắp tới là quỹ ETF…, theo ông Hùng, từ tháng 4/2014, SRTC sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên về quản lý quỹ và tài sản. Kinh nghiệm của nhiều thị trường cho thấy, hoạt động tuyên truyền, đào tạo về các sản phẩm mới cần được tiến hành bài bản, dài hơi, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức thị trường, thì cần có sự tham gia tích cực của các thành viên thị trường, nhất là các công ty quản lý quỹ.

Góp sức tăng tính minh bạch

Hoạt động đào tạo trong năm 2014 của SRTC sẽ đi đều hơn trên “hai chân”. Đó là bên cạnh đào tạo các nghiệp vụ đặc thù trong lĩnh vực chứng khoán như: môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán…, từ kinh nghiệm bước đầu của năm 2013, SRTC sẽ tăng cường tổ chức các khóa đào tạo về quản trị công ty.

Hướng đi mới trên, theo ông Hùng, vừa nhằm cập nhật các quy định mới nhất về quản trị công ty của Bộ Tài chính, UBCK cho các lãnh đạo chủ chốt tại DN, còn góp phần cải thiện tính tuân thủ của các DN, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp cho TTCK. Đối tượng tham gia các khóa đào tạo này là thành viên HĐQT, ban giám đốc, thư ký HĐQT, người công bố thông tin tại DN…

Bên cạnh đó, thay vì tổ chức 2 đợt thi/năm như trong nhiều năm qua, SRTC đang đề nghị UBCK cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề mỗi quý một lần theo hướng luân phiên giữa Hà Nội và TP. HCM, để tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên.

Với mục tiêu tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế trong triển khai các hình thức thi sát hạch, cấp chứng chỉ chuyên môn, trong năm nay, SRTC tiếp tục hợp tác với Hiệp hội Các chuyên gia phân tích đầu tư quốc tế (ACIIA) tổ chức các khóa đào tạo, thi sát hạch lấy chứng chỉ chuyên gia phân tích đầu tư quốc tế (CIIA). Đây là chứng chỉ chuyên môn dành cho những người làm việc trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, được công nhận tại nhiều quốc gia.

 

“Cần phối hợp đào tạo cho NĐT về quỹ mở và quỹ hưu trí”

Ông Trần Thanh Tân

Chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM)

Việc hình thành quỹ hưu trí bổ sung sẽ là động lực để các quỹ đầu tư dạng mở phát triển trong dài hạn. Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn đối với ngành quản lý quỹ, mà còn tạo tiền đề cho hình thành các phương tiện đầu tư dài hạn vào TTCK. Do đó, để giúp công chúng đầu tư am hiểu về các sản phẩm quỹ mở, trong năm 2014, UBCK cần quan tâm tổ chức các chương trình đào tạo, cũng như tăng cường phối hợp với các công ty quản lý quỹ để tổ chức đào tạo cho NĐT về các mô hình quỹ mở, quỹ hưu trí. Việc đào tạo này đòi hỏi thời gian, chi phí và cần có sự thống nhất cao để mang lại hiệu quả thiết thực, nên không thể thực hiện được từ góc độ một công ty quản lý quỹ.

Việc triển khai đào tạo cho NĐT có ý nghĩa rất quan trọng tới việc thành công của các sản phẩm quỹ mở. Do vậy, thành viên Câu lạc bộ các công ty quản lý quỹ đầu tư sẽ tích cực tham gia vào các chương trình đào tạo do UBCK tổ chức dưới nhiều hình thức, để góp phần vào sự phát triển chung của thị trường.

“NĐT cần hỗ trợ đào tạo miễn phí về sản phẩm mới”

Ông Trần Tiến Dũng

Nhà đầu tư (Hà Nội)

Thị trường đã và sắp xuất hiện một số sản phẩm mới như các quỹ mở chuyên đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu; quỹ đầu tư bất động sản; quỹ ETF; quỹ hưu trí… Để triển khai thành công các sản phẩm này, thu hút nhiều NĐT tham gia, nhất là NĐT cá nhân, thì hoạt động đào tạo, tuyên truyền cho công chúng đầu tư phải được coi trọng. Hoạt động này phải được cả cơ quan quản lý lẫn các DN, nhất là các công ty quản lý quỹ phối hợp triển khai bài bản, dài hạn, thì mới thay đổi thói quen đầu tư theo hướng tích cực cho thị trường.

Hiện tại, hoạt động trên chưa được quan tâm triển khai tương xứng. Quỹ mở được cả cơ quan quản lý và các công ty quản lý quỹ giới thiệu là minh bạch, bảo vệ NĐT tốt hơn quỹ đóng, nhưng do hoạt động tuyên truyền, đào tạo chưa được coi trọng, nên nhiều NĐT không cảm nhận được những điểm ưu việt này. Thậm chí, tên của nhiều công ty quản lý quỹ còn xa lạ với NĐT, chứ chưa nói đến các sản phẩm quỹ mà họ đang huy động và quản lý.

Để khắc phục tình trạng trên, UBCK, các Sở GDCK, các DN cần đầu tư thời gian, chi phí nhiều hơn cho triển khai các hoạt động đào tạo, tuyên truyền hướng tới NĐT, nhất là NĐT cá nhân. Cần tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu thông tin miễn phí cho NĐT, giúp họ thuận lợi hơn trong tiếp cận với các sản phẩm mới, cũng như phương thức đầu tư mới. Nếu tiếp tục để NĐT tự mày mò học hỏi, thậm chí bỏ tiền ra đi học như hiện nay, thì sẽ làm chậm quá trình tiếp cận với các sản phẩm mới. Điều này sẽ khó thúc đẩy TTCK phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp.

Tin bài liên quan