Greg Lippmann

Greg Lippmann

Đặt cược vào “tàn tích”

(ĐTCK) Ở phố Wall, người ta biết đến Lippmann với cái tên “anh bong bóng” và một trong các giao dịch viên làm việc cho Lippmann đã mặc một cái áo phông có in dòng chữ: “Tôi đã bán khống căn nhà của bạn”.

Hầu hết các NĐT làm giàu khi thị trường bùng nổ, còn một vài NĐT khác kiếm lời khi thị trường đã sụp đổ. Greg Lippmann, một NĐT phố Wall đã từng là ngôi sao buôn chứng khoán của Deutsche Bank, giờ đây đang bắt đợt sóng tiếp theo của thị trường: lập quỹ mua lại các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp.

Lippman, cũng như một nhóm NĐT phố Wall khác, đang lao vào cuộc đua kiếm lời từ các khoản vay thế chấp đã từng làm sụp đổ hệ thống tài chính. Ngoài Lippmann còn có một vài quỹ đầu tư tương hỗ như Fidelity và các quỹ phòng vệ rủi ro.

Sức hấp dẫn ở đây là mức giá rẻ của các loại chứng khoán này. Một vài trái phiếu bảo đảm bằng tài sản rẻ đến mức mà ngay cả với kịch bản tồi tệ nhất xảy ra cho giá tài sản thế chấp (cụ thể là nhà ở), các NĐT cũng vẫn có thể có lời.

“Chúng tôi tin rằng, các sản phẩm này đủ rẻ để có thể mở rộng các thị trường như trước kia”, Lippmann thuyết phục trong một lá thư gửi tới các NĐT trước đây. Hiện ông đã lập Quỹ LibreMax Capital và nắm trong tay một loạt chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn.

Thái độ tích cực này trái ngược hẳn so với chính Lippmann hồi năm 2006 và 2007. Lippmann khi đó nằm trong một nhóm NĐT chuyên đi “hô hoán” rằng, thị trường nhà đất là một quả bong bóng đang chực nổ. Thậm chí, ở phố Wall, người ta biết đến Lippmann với cái tên “anh bong bóng” và một trong các giao dịch viên làm việc cho Lippmann đã mặc một cái áo phông có in dòng chữ: “Tôi đã bán khống căn nhà của bạn”.

Hành động này được ghi vào một trong những cuốn sách bán chạy nhất lúc đó, cuốn “The Big Short” (Cuộc bán khống lớn), trong đó mô tả Lippmann như một kẻ ngông cuồng và ngu dốt.

Cuộc sụp đổ thị trường tài sản thế chấp Mỹ ngay sau đó khiến Lippmann trở nên nổi tiếng. Giờ đây, các đối thủ trong ngành nói về Lippmann như một kẻ khôn ngoan già dặn. Còn thái độ của Lippmann trở nên tích cực hơn nhiều đối với thị trường tài sản.

Dấu hiệu cho sự hồi phục của thị trường trái phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp khiến một nhóm người cho rằng, thị trường này đã chạm đáy. Doanh số bán các căn nhà tăng lên, các ngân hàng lớn đã thanh toán được cho Chính phủ Liên bang 26 tỷ USD liên quan đến các gói giải cứu tài sản và Ngân hàng Dự trữ Liên bang của New York cũng đã có thể bán đấu giá hàng tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp mà cơ quan này đã mua trong đợt giải cứu khủng hoảng tài chính trước đó.

Tại các quỹ đầu tư, những NĐT lớn dùng hệ thống máy tính để phân tích các khoản vay cơ bản và ước tính những yếu tố khác như bao nhiêu người vay sẽ phá sản và bao nhiêu tiền có thể thu lại nếu các tài sản bị tịch biên.

Xét trên bề ngoài thì những con số này không được khả quan cho lắm. Trong gần 800 món tài sản đang được thế chấp cho các trái phiếu, khoảng 21% đã quá hạn thanh toán trên 60 ngày. Trung bình trong 1 năm qua, khoảng 5% những người sở hữu nhà phải tái thế chấp tài sản của mình trước khi chúng đến hạn.

Tuy nhiên, các trái phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp hiện đang được giao dịch ở mức giá 70 cent so với mệnh giá 1 USD. Với mức giá đó, các chuyên gia tính toán rằng, ngay cả khi chủ sở hữu tài sản phá sản, một NĐT vào trái phiếu vẫn có thể kiếm lợi khoảng 5,4%. Và nếu tình hình khả quan hơn, nghĩa là xu hướng phá sản không quá trầm trọng, trái phiếu này đem lại khoản lợi khoảng 8,7%.

Với lãi suất tiền gửi dài hạn gần bằng 0, một khoản lợi như vậy khó lòng mà cưỡng lại ngay cả với những NĐT đã từng khốn đốn vì cuộc đổ vỡ thị trường nhà đất. American International Group, tập đoàn chuyên sở hữu những chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và đã bị Ngân hàng Dự trữ Liên bang của New York mua lại trong khủng hoảng năm 2008, cũng đã bắt đầu đầu tư vào loại trái phiếu này.

Rất nhiều NĐT khác cũng kỳ vọng thị trường sẽ đi lên và bắt đầu rót tiền trở lại vào các tài sản thế chấp. Khối lượng giao dịch tăng vọt trong các tuần gần đây, còn giá cả các tài sản loại này đã tăng hơn 15% trong hai tháng đầu năm 2012, sau khi rớt tận 40% trong năm ngoái.

“Dòng tiền đợi bên ngoài thị trường đang rất lớn, vì lợi suất đã bắt đầu trở nên hấp dẫn”, Jasraj Vaidya, một nhà kinh tế chiến lược ở Barclays Capital nói. “Một phần lớn trong số đó đã bắt đầu tham gia thị trường”.

Nhưng con sóng này vẫn có thể quay đầu một lần nữa và quét sạch các NĐT. Dẫn đầu trong các rủi ro tiềm tàng bắt nguồn từ châu Âu. Các ngân hàng của châu Âu vẫn giữ một lượng đáng kể các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp của Mỹ và nếu họ buộc phải bán giải chấp chỗ tài sản này, nó có thể gây ra đại họa đối với thị trường.

“Sẽ rất nguy hiểm nếu tin rằng, thời điểm này chúng ta đã thực sự thoát khỏi khó khăn và giá cả sẽ không tụt dốc lần nữa”, Jeffrey E. Gundlach, người sáng lập ra Quỹ DoubleLine Capital và cũng từng đầu tư vào các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp hồi năm 2008 nhận định. Tuy nhiên, “là một người quản lý tiền, bạn không thể nhắm mắt với các khoản lợi tiềm năng”, Jeffrey E. Gundlach nói.