Kinh tế mới quay lại đà bứt tốc mạnh mẽ vào năm ngoái tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm còn lại của Kế hoạch 2016 - 2020. Trong ảnh: Nhà máy của Nestle tại Hưng Yên. Ảnh: Đức Thanh

Kinh tế mới quay lại đà bứt tốc mạnh mẽ vào năm ngoái tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm còn lại của Kế hoạch 2016 - 2020. Trong ảnh: Nhà máy của Nestle tại Hưng Yên. Ảnh: Đức Thanh

Đánh giá giữa kỳ kinh tế 2016 - 2020: Lượng có thể đạt, song còn e dè về chất

Sau một kỳ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 không thực sự thành công, do có nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch, thì dường như 5 năm cuối của Chiến lược 2011 - 2020, bức tranh kinh tế đã sáng hơn.

Lượng có thể đạt

Bản dự thảo đầu tiên của Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt lên bàn của các thành viên Chính phủ.

Điểm nhấn đặc biệt quan trọng của bản báo cáo này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tăng trưởng kinh tế đã từng bước được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá trong những năm qua.

Quan trọng không kém, đó là trong giai đoạn này, lạm phát đã được kiểm soát rất thành công. Mặt bằng giá hàng hóa tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng 3 năm đều đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Năm 2016, năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nếu tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 6,21%, thì bước sang năm thứ hai, con số đã tăng lên 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm đó.

Và nếu như năm 2018, tăng trưởng GDP tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thì 3 năm qua, tăng trưởng GDP bình quân là 6,57%, cao hơn khá nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân 5,91% của 5 năm 2011 - 2016.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai năm còn lại của Kế hoạch 2016 - 2020, tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt mức 6,9%. Như vậy, tính chung cả giai đoạn 5 năm, tăng trưởng GDP bình quân sẽ đạt khoảng 6,71%. So với mục tiêu đề ra là 6,5 - 7%, có thể nói, kỳ kế hoạch 5 năm này, Việt Nam đã đạt mục tiêu tăng trưởng, dù ở mức thấp.

Phải nhắc lại câu chuyện cũ. Đó là thời điểm đầu năm 2011, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã được ban hành, với mục tiêu là nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, đạt 7 - 7,5% trong giai đoạn 2011 - 2015.

Nhưng năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm trước đó, năm 2010, nền kinh tế diễn biến bất thường, bất ổn vĩ mô, giá cả tăng nhanh, lạm phát năm  lên tới 11,75%, đồng tiền mất giá nhanh chóng… Một bức tranh như vậy thì rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5%.

Nhận thấy nguy cơ này, đầu năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và đã được Chính phủ chấp thuận. Mục tiêu được điều chỉnh là 6,5 - 7%. Nhưng cuối cùng, kế hoạch không đạt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này chỉ là 5,91%.

Năm cuối cùng của Kế hoạch 2011 - 2015, kinh tế hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng GDP đã đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Mức tăng trưởng này tưởng chừng sẽ tạo đà để nền kinh tế tiếp tục tăng tốc trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Nhưng những thách thức mới đã khiến nền kinh tế giảm tốc, chỉ đạt mức tăng trưởng 6,21%.

Chỉ tới năm ngoái, kinh tế mới quay lại đà bứt tốc mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 10 năm qua - 6,81%.

Đây chính là nền tảng tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm còn lại của Kế hoạch 2016 - 2020. Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng hoàn thành Kế hoạch là khả quan, nhưng cũng cần phải hết sức nỗ lực.

Nhưng còn e dè về chất

Không chỉ là tăng trưởng GDP, mà có tới 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đặt ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trong đó có 9 chỉ tiêu về kinh tế, 8 chỉ tiêu về xã hội và 5 chỉ tiêu về môi trường. Khi bản dự thảo đầu tiên của Báo cáo Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch 2016 - 2020 được báo cáo lên Chính phủ, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có thông tin số liệu của 18 chỉ tiêu.

Kết quả ước tính, có 9 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, bội chi ngân sách nhà nước, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động xã hội bình quân năm…

Trong khi đó, 9 chỉ tiêu gần đạt hoặc cần nỗ lực thực hiện trong thời gian tới. Ngoài chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, trong nhóm này còn có các chỉ tiêu về GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP…

Điều này cho thấy, vẫn còn những vấn đề liên quan đến “chất”, dù tình hình đã có vẻ được cải thiện khi mà các chỉ số về bội chi ngân sách hay năng suất lao động đều dự báo sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện, khi tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn.

Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 33,58%, còn trong 3 năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, con số là 42,18%...

Năng suất lao động cũng được cải thiện qua các năm. Hệ số tiêu hao trong ngành năng lượng được cải thiện đáng kể, nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển…

Đây là điều đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, song vẫn còn một vế sau có chữ “tuy nhiên”. Đó là “mô hình tăng trưởng vẫn chưa có thay đổi rõ nét, năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn”.

Chưa kể, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún; ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng chưa bền vững…

Mới là những nét phác thảo đầu tiên của bức tranh kinh tế giữa kỳ 2016 - 2020, nhưng rõ ràng, dù thành tựu không ít, nhưng thách thức cũng vẫn còn nhiều. Sẽ còn cần những đánh giá, mổ xẻ một cách khách quan, toàn diện về việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch trong nửa đầu giai đoạn, để làm sao có giải pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm thực hiện thành công Kế hoạch 2016 - 2020.

Đây cũng là một trong những nội dung của Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án RCV tổ chức hôm nay (5/9).

Tin bài liên quan