Đẳng cấp cổ phiếu lớn

Đẳng cấp cổ phiếu lớn

(ĐTCK) Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, thậm chí có mức tăng rất cao là đặc điểm chung qua những con số vừa được công bố của các DN đầu ngành.

 > Doanh nghiệp thua lỗ dần lộ diện

> Kết quả kinh doanh quý II/2013

Đẳng cấp cổ phiếu lớn ảnh 1

Lợi nhuận cao hơn dự kiến

Báo cáo tài chính (BCTC) quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã GAS) được công bố khiến nhiều NĐT “choáng”, vì so với mức dự kiến công bố trước đó 2 tuần, lợi nhuận Công ty mẹ PVGas tăng tới gần 800 tỷ đồng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2013, PVGas đạt doanh thu 29.232 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt 26.256 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch 6 tháng; lợi nhuận trước thuế đạt 7.715 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt 7.599 tỷ đồng, bằng 164% kế hoạch 6 tháng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Đỗ Khang Ninh, Chủ tịch HĐQT PVGas cho biết, cả 3 hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3 - Cà Mau hoạt động ổn định, nhu cầu tiêu thụ khí của các hộ dân cao, nên PVGas đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm. Kết quả kinh doanh 6 tháng còn cao hơn nếu như giá khí hóa lỏng (LPG) không liên tục giảm và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không giảm sản lượng sản xuất.

6 tháng cuối năm, PVGas dự kiến doanh thu hợp nhất 29.186 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.548 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ dự kiến đạt 5.503 tỷ đồng lợi nhuận, lũy kế cả năm 2013 đạt khoảng 13.102 tỷ đồng, tăng 39% so với kế hoạch.

“Kế hoạch kinh doanh của DN được xây dựng với giá dầu thô ở mức 90 USD/thùng”, ông Ninh nói và cho biết, trong 2 quý đầu năm, giá dầu đều ở mức cao và hiện duy trì trên 100 USD/thùng.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) cũng công bố lợi nhuận ấn tượng. Cụ thể, doanh thu quý II đạt 8.288 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đạt 15.152 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý II đạt 1.822 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đạt 2.346 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng là do doanh thu tăng, đồng thời do thay đổi cơ cấu sản phẩm tiêu thụ, hướng mạnh vào các dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu đại chúng. Với mức tăng trưởng của toàn thị trường sữa Việt Nam được các công ty nghiên cứu thị trường đánh giá đạt khoảng 12-15%/năm tới năm 2016, ở vị thế dẫn đầu ngành, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của VNM là rõ ràng, nhất là khi năm 2013, cả 2 dự án trọng điểm là nhà máy sữa nước và nhà máy sữa bột tại Bình Dương của Công ty đều được đưa vào hoạt động.

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), DN dẫn đầu ngành nhựa xây dựng đưa ra kế hoạch năm 2013 khá khiêm tốn, duy trì bằng hoặc giảm nhẹ so với năm 2012. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng đầu năm vẫn khả quan. Doanh thu thuần quý II của BMP đạt 577 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; lãi ròng 111,7 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, BMP lãi ròng 190 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012.

Không có mức tăng trưởng 2 con số, song kết quả kinh doanh của Tập đoàn FPT cũng ghi nhận sự tăng trưởng, với doanh thu 6 tháng đạt 12.482 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần mềm và các sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin có hàm lượng chất xám cao được FPT ưu tiên, trong đó, tập trung mạnh cho các thị trường toàn cầu như Mỹ và châu Âu. Trong 6 tháng đầu năm, mảng phần mềm tăng 32% về doanh thu và tăng 62% về lợi nhuận khiến nhiều NĐT nhớ lại hình ảnh tăng trưởng ấn tượng của FPT gần 10 năm về trước.

 

Cổ phiếu duy trì đẳng cấp

Tháng 7, TTCK đi xuống, song giá cổ phiếu của các DN đầu ngành không giảm, thậm chí có mức tăng khá. Cổ phiếu VNM duy trì quanh mức 145.000 đồng/CP, MSN đạt thị giá trên 9 “chấm”, GAS đạt 65.000 đồng/CP; BMP tăng gần 20%, đạt mức cao nhất 75.000 đồng/CP.

Giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết, giá cổ phiếu cao hay thấp không quan trọng, quan trọng là cổ phiếu đó có sinh lợi hay không. Với quan điểm này, công ty dành tỷ trọng đáng kể để lướt sóng cổ phiếu VNM.

Sức thu hút của các cổ phiếu blue-chip còn thể hiện ở việc chuyển nhượng giữa các tổ chức lớn diễn ra tương đối sôi động. Mới đây, 5 cổ đông lớn của MSN đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 58.674.545 cổ phiếu MSN cho Orchid Capital Investments, tổ chức đang sở hữu tỷ lệ lớn tại FPT. Trước đó, các NĐT nước ngoài thỏa thuận chuyển nhượng hơn 2 triệu cổ phiếu VNM.

Dẫu vậy, việc NĐT tập trung tỷ trọng cho những cổ phiếu lớn cũng cho thấy một điểm hạn chế của TTCK Việt Nam, đó là sự nghèo nàn hàng hóa chất lượng cao. Giám đốc công ty quản lý quỹ nêu trên cho hay, hiện chỉ có chưa đầy 30 mã chứng khoán trên 2 sàn đáp ứng được khẩu vị khách hàng của công ty. 

Giá cổ phiếu VNM cao ngất, nhưng vẫn được nhiều NĐT ưa chuộng