Khóc nghẹn
Trong suốt 4 tháng qua, kể từ khi bùng phát dịch lần thứ tư, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, dừng hoạt động mở bán. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu nhiều tháng nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản tại quận 3, TP.HCM cho biết, doanh nghiệp ông có gần 2.000 nhân viên, tiền lương cho nhân viên mỗi tháng là một con số không nhỏ. Trong khi đó, hầu hết các dự án gần như “đóng băng”, không triển khai. Những khách hàng đã mua nhà đất trước đây, hiện nay đã làm đơn xin gia hạn, thậm chí nhiều khách hàng xin hủy hợp đồng, lấy lại tiền.
“Chúng tôi đang phải ăn dần vào tiền tích cóp, đang cắn vào đuôi mình để sống. Nhà đất không bán được, nhưng các chi phí vẫn phải bỏ ra, đặc biệt là gánh nặng về lãi vay ngân hàng”, vị này lo lắng.
Khó khăn là vậy, nhưng điều khiến các doanh nghiệp bất động sản phải “khóc nghẹn” là trong đợt giảm lãi suất gần đây, một số nhà băng đưa ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn với lãi suất chỉ từ 4%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
“Tại sao lại phân biệt đối tượng khách hàng vay? Khách hàng nào cũng trả lãi sòng phẳng, thậm chí cho vay bất động sản lãi suất còn cao hơn các khoản vay sản xuất, kinh doanh hay các ngành nghề khác”, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land bày tỏ quan điểm.
Đã từ lâu, doanh nghiệp bất động sản luôn đồng hành, gắn bó chặt chẽ với các ngân hàng và có đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhưng nay, khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn thì lại bị đứng ngoài các chương trình hỗ trợ của ngân hàng là điều khó chấp nhận.
Với các doanh nghiệp môi giới, tình cảnh cũng bi đát không kém. Thống kê của Công ty DKRA Việt Nam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TP.HCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động rất cao. Khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động cao với mức doanh thu từ 30 đến 50%.
Cần được bơm tín dụng
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp khắc phục như thay đổi phương thức kinh doanh, bán hàng online, tinh giản nhân sự…, nhưng kết quả thu về cũng chỉ mang tính “cầm hơi”.
Ông Hoàng Hà Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nalico cho biết, đặc thù của lĩnh vực bất động sản là làm việc trực tiếp như thi công tại công trường, xử lý các giấy tờ pháp lý, mở bán giới thiệu sản phẩm… Việc sử dụng công nghệ thực hiện các công việc một cách gián tiếp chỉ được một phần và cũng không hiệu quả. Bởi thế, doanh nghiệp đều mong Nhà nước sớm có biện pháp khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phương, để các doanh nghiệp có thể khôi phục, Chính phủ cần có cơ chế kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong quá trình phục hồi, đây như một liều “vắc-xin” cấp bách cho nền kinh tế. Các vướng mắc pháp lý phải được tháo gỡ một cách nhanh chóng, hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay mức lãi suất thấp và giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc siết tín dụng, tránh tạo bong bóng vào bất động sản là chủ trương đúng, song ngân hàng chỉ nên siết các khoản vay nhằm mục đích đầu cơ, mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp. Ở thời điểm hiện nay, việc tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản là cấp thiết. Do vậy, cần có các chính sách hỗ trợ tín dụng cho bất động sản, đặc biệt là những người mua nhà trên thị trường sơ cấp, nghĩa là người đang có nhu cầu mua nhà ở thực. Các khoản vay mới hay cũ cũng cần được xếp vào hạng ưu tiên hỗ trợ do tác động của đại dịch.
“Với món vay mới, ưu tiên về lãi suất và tất cả những điều kiện vay. Còn những món vay đang hiện diện trên sổ sách của ngân hàng thì cần phải được giảm lãi suất, gia hạn kỳ hạn trả nợ”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên có những khoản hỗ trợ tương tự như gói 30.000 tỷ đồng trước đây để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội trong thời gian tới.