Chị Dung - chủ shop chuyên hàng xách tay Nhật, Mỹ tại Hà Nội cho biết, mấy tuần gần đây hàng hoá về khá chậm, có mặt hàng trước kia về rất đều nhưng đợt này bị ách ở cửa khẩu hải quan do kiểm tra nghiêm ngặt.
Theo chủ shop online này, thực tế hàng xách tay về Việt Nam khó khăn hơn sau quyết định siết thông quan hàng hoá là hành lý, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam của Tổng cục Hải quan vào cuối tháng 4. Sau đó, hàng hoá cũng được thông quan "dễ thở" hơn một thời gian và đầu tháng 11 lại siết chặt hơn.
Thời điểm phía hải quan thông báo dừng thông quan hàng xách tay lần này lại cận kề dịp khuyến mãi, giảm giá lớn nhất trong năm như Black Friday (Mỹ) hay dịp giảm giá nhân mùa Lễ Giáng sinh, năm mới... từ các nước, nên càng khiến các chủ shop online đứng ngồi không yên.
"Một năm có duy nhất tháng này là mùa giảm giá mạnh nhất mà hải quan lại thông báo dừng thông quan. Hàng về rồi thì bị ách lại, hàng mới nhận đặt cũng chưa biết lúc nào về được", Hạnh - chủ một shop online chuyên nhận đặt hàng xách tay (order) từ Mỹ than.
Không riêng hàng Mỹ, cánh cửa thông quan đang dừng với nhiều thị trường buôn hàng xách tay truyền thống khác như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Australia...
Đều đặn mỗi tuần chị Tú đều gửi hàng từ Australia về Việt Nam, chủ yếu là thực phẩm chức năng, nhưng nửa tháng nay hàng về chậm hơn, nhỏ giọt.
"Có những món khách đặt hàng và về cả tháng trời rồi nhưng khâu thông quan bị "tắc", chưa lấy ra được. Tình hình này kéo dài coi như năm nay đóng cửa đi chơi sớm", chị Tú nói và cho biết, đã phải thông báo tới từng khách hàng, xin lỗi vì sự chậm trễ bất khả kháng này.
Điều khiến không ít chủ shop kinh doanh hàng qua mạng lo lắng là cùng với việc hàng bị tồn lại, vốn cũng đọng theo khi không ít chủ shop ứng trước tiền mua cho khách, khi trả hàng mới thu tiền. Vì thế, nhiều chủ shop đã buộc phải thay đổi chính sách đặt, mua hàng.
Trong một thông báo đăng trên trang cá nhân mới đây, chị Vân Anh - chủ shop bán quần áo xách tay từ Mỹ đành thông báo không nhận ứng trước tiền mua cho cả khách quen và khách hàng mới như trước. "Với khách đã mua nhiều lần mình yêu cầu đặt cọc 30-50%, còn khách mới mua lần đầu buộc phải cọc 100% món hàng", chị Vân Anh than thở.
Tương tự, chủ một shop bán hàng xách tay khác cũng yêu cầu khách hàng mới đặt cọc 50% tiền mua hàng nếu có người quen giới thiệu.
Những thông báo thay đổi này, theo chị Vân Anh là "cực chẳng đã", bởi một phần tiền vốn bị ách cùng với hàng hoá chưa thể thông quan tại cửa khẩu, phần nữa cũng nhằm tránh rủi ro hàng về nhưng khách bùng không lấy.
Không chỉ vậy, giá hàng xách tay cũng đang đắt đỏ theo tỷ giá.
Vẫn thường đặt mua sữa từ Mỹ về cho cậu con trai gần một tuổi, chị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình khi vừa được shop đặt hàng quen thông báo tăng giá mỗi hộp sữa thêm 40.000 đồng, khoảng 5-10%. Thắc mắc, chị được chủ shop lý giải do tỷ giá tăng nên buộc họ phải tăng giá sữa sau quy đổi ra tiền Việt.
Nhiều đầu mối nhập hàng xách tay và nhận order từ Mỹ, EU cũng liên tục phải thông báo thay đổi vì tỷ giá tăng chóng mặt. Mức tỷ giá các shop nhận đặt hàng xách tay tính hồi đầu năm khoảng 23.500 đồng một USD thì nay đã là 23.900 đồng hoặc 24.000 đồng.
"Từ khi tỷ giá tăng mình đã cố gắng co kéo chi phí để không tăng giá với khách nhưng giá tăng quá mạnh nên buộc phải thông báo áp tỷ giá 23.900 đồng một USD tới khách", chị Ngọc - chủ shop chuyên nhận order hàng từ Mỹ than thở. Chị cho hay, với một số mặt hàng như túi xách, đồng hồ, mức tỷ giá áp dụng với khách đặt hàng là 24.000 đồng hoặc 24.100 đồng tuỳ thời điểm.
Không riêng đôla Mỹ, tỷ giá đồng euro so với VND cũng tăng so với thời điểm trước khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump công bố bắt đầu áp thuế lên hàng hoá nhập từ Trung Quốc, mở màn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa rõ hồi kết, dẫn tới những xáo trộn trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tiền đồng mất giá nhẹ trong đầu năm sau trước khi tăng giá so với đồng USD vào cuối năm 2019 nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực ở cả trong lẫn ngoài nước.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND trong hệ thống ngân hàng sẽ ở mức 23.400 đồng vào cuối 2018, giảm về 23.300 đồng vào cuối 2019 và mức 22.700 đồng vào cuối năm 2020.