Chính phủ Trung Quốc cuối tuần này tuyên bố đưa các câu lạc bộ thể thao vào danh mục hạn chế doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Đây là động thái tiếp nối chiến dịch ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài của Trung Quốc, bắt đầu từ cuối năm ngoái. Mục tiêu của chiến dịch này là rà soát "những khoản đầu tư bất hợp pháp", để bảo vệ đồng NDT khỏi mất giá.
Thông điệp mới nhất cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nghiêm túc trong việc đảo chiều dòng tiền mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã đổ vào khoảng 29 câu lạc bộ nước ngoài trong bốn năm qua. Nhiều doanh nghiệp lớn nước này đang sở hữu những đội bóng danh tiếng như AC Milan, Birmingham City hay Wolverhampton...
Tháng trước, Chủ tịch Fosun International - công ty đang sở hữu câu lạc bộ Wolverhampton cũng gửi một lá thư ngỏ lời ủng hộ chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc.
"Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách để bán lại", Alexander Jarvis - Chủ tịch Blackbridge Cross Borders nhận định. Ông Jarvis cho biết nhiều thương vụ hiện có thể bị đổ bể vì chính sách mới, dù vẫn có một số cách để lách luật. Blackbridge Cross Borders là công ty chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp hoặc tỷ phú Trung Quốc muốn đầu tư vào bóng đá tại châu Âu.
Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng bùng nổ dòng tiền đầu tư vào bóng đá lại chính là Chính phủ Trung Quốc. Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo một kế hoạch nhằm biến Trung Quốc thành thế lực toàn cầu trong môn thể thao ông từng chơi từ thời sinh viên.
Sau thông điệp của ông Tập, các đội bóng hàng đầu Trung Quốc đã mạnh tay chi hàng trăm triệu USD để mang về hàng loạt ngôi sao từ trời Âu như Hulk, Carlos Tevez, Oscar hay Drogba. Bằng cách này, họ hy vọng sẽ nhanh chóng nâng tầm đội tuyển quốc gia và thu hút sự chú ý để gây dựng được một giải đấu mang tầm thế giới.
Đồng thời, các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc cũng "điên cuồng" thâu tóm các câu lạc bộ tại châu Âu. Mới đây nhất, ông trùm Gao Jisheng vừa trở thành ông chủ của Southampton khi mua lại 80% cổ phần đội bóng này.
Nhờ đó, khoảng 7 đội bóng Anh đang thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Còn tại Tây Ban Nha, Tập đoàn Wanda sở hữu cũng đang nắm 20% cổ phần của câu lạc bộ Atletico Madrid.
Tuy nhiên, hiện tại, gió đang đổi chiều. Các doanh nghiệp như Fosun phải thận trọng với thông điệp mới nhất từ Bắc Kinh. "Nếu chúng tôi không đưa ra các giải pháp, người nước ngoài sẽ coi chúng tôi như những kẻ ngu ngốc với một núi tiền", Guo Guangchang - Chủ tịch Fosun chia sẻ hồi tháng trước.
Ông nhấn mạnh: "Việc kiểm tra các khoản đầu tư ở nước ngoài và những bất thường tài chính là cần thiết, kịp thời và có thể loại bỏ những khoản đầu tư bất hợp lý".
Mark Dreyer - nhà sáng lập trang China Sports Insider cho rằng các quy định hiện là một trở ngại nhưng chúng không kín kẽ. Trong quá khứ, các lệnh cấm đầu tư tại nước ngoài đã được lách qua bằng việc sử dụng nguồn vốn tài trợ ở nước ngoài. Bloomberg cũng tiết lộ thương vụ thâu tóm Southampton được thực hiện thông qua các khoản vay từ một ngân hàng Hong Kong với tài sản ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.