Công có bộ lông đẹp, thường sống ở các cây cao hoặc mô đất cao. Đến mùa xuân, khi gọi bạn tình Công thường xòe cánh múa vũ điệu để gọi bạn.
Anh Huy, chủ một vườn sinh thái tại Quảng Ninh cho biết, để mua được Công đẹp ưng ý trang trí cho biệt thự, nhà vườn của mình hay làm cảnh cho khu vườn sinh thái anh phải đi lùng mua khắp các trang trại. Chỉ cần các trang trại gọi điện có Công đẹp anh sẽ đến ngay để xem và mua về chơi, hoặc nuôi để chờ dịp đi tặng đối tác.
Chim Công có bộ lông rất dài và đẹp
Theo anh Huy, chơi Công rất hay vì chim Công đẹp, dễ nuôi như con gà, sức kháng bệnh lại rất tốt. Chủ yếu mình chỉ chơi Công Ấn Độ, trong đó có 2 con Công trắng là loại đột biến gien, còn lại là Công ngũ sắc (lai giữa Công xanh và Công trắng).
Nói về xu hướng chơi Công hiện nay, anh Huy chia sẻ, Công xanh rất phổ biến vì dễ nuôi và dễ chăm sóc. Còn Công trắng và Công ngũ sắc tuy đẹp nhưng vì là giống đột biến gien nên sức đề kháng kém và cần chăm sóc kĩ hơn. Tuy nhiên, Công ngũ sắc với bộ lông tuyệt đẹp vẫn là loại được mọi người ưa chuộng nhất mặc cho giá cao ngút và các chủ trại thường ỉm hàng để nâng giá.
Dần dần để thỏa mãn thú chơi và tiết kiệm thì mình hay mua Công con với giá 800.000 – 900.000 đồng/con, lúc mua về chúng rất bé và chỉ nặng khoảng 1 lạng, anh Huy cho biết.
Bắt đầu nuôi công từ 2011, do sở thích, đam mê nên anh Quỳnh – chủ một trang trại chim Công tại Kinh Môn, Hải Dương đã đi tìm hiểu khắp nơi và được bạn bè giới thiệu mua giống trong công viên Thủ Lệ.
Anh Quỳnh cho biết, lúc đầu, mình chỉ mua con giống thôi vì chưa có đủ điều kiện. Thời điểm đó, bắt về 4 cặp Công hậu bị (loại Công bố mẹ 1 năm sau sẽ đẻ trứng) để nhân giống dần ra, mỗi một cặp Công đã có giá 15 triệu đồng.
"Phải mất hơn 3 năm mới có thể bắt đầu thu lại được từ khoản đầu tư này, thế nhưng khách mua rất đều và chịu chi. Gần Tết, Chim Công ngũ sắc và Công trắng được khách hỏi mua liên tục mà chẳng dám hứa trước, khách hàng từ khắp nơi nhưng sẵn sàng đánh xe về lấy Công", anh Quỳnh chia sẻ.
Theo anh Quỳnh, thị trường trong thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu cao hơn ở ngoài miền Bắc. Tuy nhiên, mình chỉ bán Công con vài ngày tuổi thôi vì giống nhỏ này dễ vận chuyển và có thể nhịn đói trong khoảng 2 ngày.
Ngoài ra, các nhà hàng cũng thỉnh thoảng nhập Công của anh Quỳnh phục vụ cho khách có nhu cầu. Tết năm ngoái, trang trại của anh Quỳnh đã bán được 25 con chim Công cho 2 nhà hàng với giá 8 triệu đồng/con cho về thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Hai loại Công được nuôi chung trong chuồng
Theo anh Quỳnh, 1 năm Công thường đẻ từ 25 – 30 trứng, ngày trước khi giá công cao thì trứng Công bán rất được giá. Thời điểm cách đây 2 – 3 năm, trứng Công có thể bán được 800.000 đồng/quả, thu nhập từ việc bán trứng rất cao từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
"Tầm tháng 3 tới tháng 6 là thời điểm chim Công đẻ nên có rất nhiều trứng và con giống để cũng cấp ra thị trường, đem lại nguồn thu không nhỏ", anh Quỳnh cho biết thêm.
Chim Công con
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Diện, một người chơi Công có tiếng lâu năm tại Cẩm Giàng (Hải Dương) thì thời gian gần đây, đã nhiều người nhân giống được chim Công nên các chủ trang trại đã không bán trứng nữa vì lợi nhuận thu lại thấp.
"Các chủ trang trại thường chỉ bán Công trưởng thành loại đã đẻ rồi, từ 2 năm rưỡi đến 3 năm tuổi với giá khoảng 16 triệu đồng/cặp. Con trống được thường nặng khoảng 6 – 7 kg, còn con mái khoảng 5 kg", ông Diện cho biết thêm.